Triển vọng nhu cầu ảm đạm tại Trung Quốc đẩy giá dầu thế giới đi xuống

Chuyên gia tỏ ra nghi ngờ khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường mua dầu, vì trước đó trong năm nay, nước này đã nhập khẩu rất nhiều dầu thô để dự trữ.
Triển vọng nhu cầu ảm đạm tại Trung Quốc đẩy giá dầu thế giới đi xuống ảnh 1Giá dầu Brent Biển Bắc giảm còn 84,46 USD/thùng. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới đi xuống trong phiên giao dịch 21/8, khi thị trường không còn quá nhiều kỳ vọng về nhu cầu tại Trung Quốc.

Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 34 xu Mỹ, hay 0,4%, xuống 84,46 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 53 xu Mỹ, hay 0,65%, và đóng phiên ở mức 80,72 USD/thùng. Trước đó trong phiên này, giá cả hai loại dầu trên đều có thời điểm tăng đến 1 USD.

Nhận định về triển vọng nhu cầu tại Trung Quốc, ông John Kilduff, Chuyên gia của Công ty Quản lý Vốn Again Capita, tỏ ra nghi ngờ khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường mua dầu, vì trước đó trong năm nay, nước này đã nhập khẩu rất nhiều dầu thô để dự trữ.

[Công ty ING: Giá dầu thế giới sẽ tiếp tục đạt những đỉnh cao mới]

Theo số liệu hải quan của Trung Quốc, lượng dầu xuất khẩu của Saudi Arabia sang Trung Quốc trong tháng Bảy đã giảm 31% so với tháng Sáu, trong khi Nga vẫn là nước cung cấp dầu thô lớn nhất cho quốc gia châu Á này. Giới phân tích dự đoán lượng dầu thô nhập khẩu từ Saudi Arabia của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm xuống trong quý 3.

Lượng dầu thô dự trữ của Trung Quốc đã tăng dần lên mức cao kỷ lục trong năm nay, vì các công ty lọc dầu giảm mua dầu sau khi giá “vàng đen” tăng lên trên 80 USD/thùng dưới tác động từ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+.

Tuần trước, giá dầu Brent và WTI đều giảm 2%, qua đó chấm dứt chuỗi tăng giá kéo dài bảy tuần liên tiếp trước, trước những lo ngại rằng đà tăng trưởng kinh tế chậm chạp của Trung Quốc sẽ hạn chế nhu cầu dầu, trong khi khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nâng lãi suất cũng gây ra những quan ngại đối với triển vọng về nhu cầu dầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.