Triển vọng Quốc hội Mỹ thông qua gói cứu trợ kinh tế quy mô lớn

Gói cứu trợ được ví như "phao cứu sinh" cho hàng triệu gia đình và doanh nghiệp Mỹ, giúp vực dậy nền kinh tế đầu tàu thế giới vốn chịu ảnh hưởng năng nề do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng, Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng, Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Gói hỗ trợ kinh tế quy mô lớn của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có triển vọng lớn được Quốc hội thông qua sau cuộc bỏ phiếu cuối cùng tại Hạ viện trong ngày 10/3.

Kế hoạch này được ví như chiếc "phao cứu sinh" cho hàng triệu gia đình và doanh nghiệp Mỹ, cũng như giúp vực dậy nền kinh tế đầu tàu thế giới vốn chịu ảnh hưởng năng nề do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trước đó, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD sau cuộc bỏ phiếu xuyên đêm 6/3 vừa qua.

Dự luật của Thượng viện đã loại một số điều khoản có trong phiên bản dự luật của Hạ viện, được thông qua ngày 5/2, vốn tăng mức lương tối thiểu của người lao động lên 15 USD/giờ và kéo dài chương trình hỗ trợ thất nghiệp đến ngày 29/8/2021.

Theo quy định, văn kiện cần phải được Hạ viện phê duyệt một lần nữa trước khi được chuyển đến Tổng thống Biden ký ban hành thành luật, có thể vào cuối tuần này.

Kế hoạch cứu trợ này, vốn cung cấp tài trợ cho vaccine ngừa COVID-19 cũng như bảo toàn trợ cấp thất nghiệp cho hàng triệu người dân, có thể đối mặt với sự phản đối từ một số ít nghị sỹ đảng Dân chủ.

Với việc toàn bộ nghị sỹ đảng Cộng hòa dường như sẽ chống lại dự luật trên và đảng Dân chủ giữ thế đa số với số ghế thấp nhất trong nhiều năm tại Hạ viện, nhiều khả năng có tối đa 4 nghị sỹ đảng Dân chủ quay sang phản đối văn kiện trên.

[Hạ viện của Quốc hội Mỹ sẽ thảo luận thêm về gói cứu trợ 1.900 tỷ USD]

Trong nỗ lực giới thiệu lợi ích của kế hoạch cứu trợ trên đối với nền kinh tế, trong ngày 9/3, Tổng thống Biden đã tới thăm một doanh nghiệp kinh doanh lâu đời ở thủ đô Washington, vốn được hưởng lợi từ Chương trình Bảo vệ tiền lương (PPP) được triển khai từ thời cựu Tổng thống Donald Trump, để hỗ trợ các doanh nghiệp trụ vững trong thời kỳ khủng hoảng.

Ngoài việc cam kết sẽ tiếp tục duy trì PPP, chính quyền của Tổng thống Biden sẽ thực hiện thêm một số điều chỉnh để hướng chương trình này tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp có từ 20 nhân viên trở xuống trong bối cảnh đã có 400.000 doanh nghiệp nhỏ phải ngừng hoạt động trong đại dịch.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã phản bác quan điểm cho rằng dự luật cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD là quá lớn để nền kinh tế có thể "hấp thụ" mà không bị phát triển quá nóng.

Bà nhấn mạnh gói cứu trợ là cần thiết để vực dậy nền kinh tế trở lại như trước khi đại dịch xảy ra. Trong trường hợp gói cứu trợ này gây ra lạm phát thì sẽ có những công cụ để giải quyết và vấn đề đó sẽ được giám sát chặt chẽ.

Nhậm chức Tổng thống Mỹ hồi tháng Một vừa qua, ông Biden khẳng định việc đẩy lùi đại dịch và phục hồi nền kinh tế là những ưu tiên hàng đầu.

Để giúp những người dân Mỹ đang gặp khó khăn và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn hơn do dịch COVID-19, Tổng thống Biden đã đề xuất dự luật cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD có quy mô gấp đôi gói hỗ trợ mà Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 12 năm ngoái sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.

Theo đó, khoản ngân sách lớn trên gồm khoản trợ cấp 1.400 USD cho mỗi người dân Mỹ, gia hạn trợ cấp thất nghiệp khẩn cấp, tài trợ tiêm chủng và xét nghiệm COVID-19, hỗ trợ 129 tỷ USD cho các trường học, tăng tín dụng thuế thu nhập và kế hoạch tăng lương tối thiểu lên 15 USD/giờ vào năm 2025.

Tuy nhiên, gói cứu trợ này lại vấp phải sự phản đối từ các thành viên đảng Cộng hòa khi đảng này chỉ muốn tìm kiếm thỏa thuận nhỏ hơn nhiều, khoảng 600 tỷ USD, do lo ngại gói cứu trợ của đảng Dân chủ sẽ làm gia tăng nợ công của Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.