Triển vọng sản xuất và kinh doanh tại Mỹ có lạc quan trong năm 2019?

Hoạt động kinh doanh trong nửa sau năm 2019 của các doanh nghiệp Mỹ được dự báo sẽ không mạnh như năm 2018 khi hoạt động thương mại chịu tác động bất lợi do cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ-Trung Quốc.
Triển vọng sản xuất và kinh doanh tại Mỹ có lạc quan trong năm 2019? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Food Business News)

Theo báo cáo công bố cuối năm của Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM), các doanh nghiệp dự báo tình hình hoạt động sản xuất và kinh doanh lạc quan hiện nay sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2019 với giá trị tài sản gia tăng, lợi nhuận biên cao hơn, đầu tư và tuyển dụng lao động tiếp tục gia tăng.

Tuy vậy, tình hình hoạt động kinh doanh trong nửa sau năm 2019 của các doanh nghiệp Mỹ được dự báo sẽ không mạnh như năm 2018 khi hoạt động thương mại chịu tác động bất lợi do cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc và đồng USD mạnh lên.

Nghiên cứu công bố 6 tháng một lần nói trên của ISM cũng cho thấy các mức thuế quan mà Mỹ và Trung đã và có thể áp dụng sẽ tác động tiêu cực tới lĩnh vực chế tạo Mỹ, thậm chí dù một số doanh nghiệp có thể điều chỉnh hoạt động để tồn tại trước những ảnh hưởng bất lợi của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Theo quan chức phụ trách lĩnh vực phi chế tạo của ISM, Anthony Nieves, trong lĩnh vực dịch vụ, các doanh nghiệp vẫn “lạc quan dù không bằng năm 2018.” 

Theo ISM, số lượng doanh nghiệp dự kiến tăng giá bán sản phẩm giảm, song nhiều công ty chế tạo đang cân nhắc sắp xếp lại những chuỗi cung cấp và vị trí đặt nhà máy của họ do tác động tiêu cực của cuộc chiến thuế quan giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Ngoài ra, cũng theo nghiên cứu của ISM, các doanh nghiệp dự kiến tăng đầu tư vào hoạt động kinh doanh thêm 6% trong năm 2019, thấp hơn mức tăng 13,4% năm 2018.

Trong khi đó, ông Timothy Fiore, một quan chức của ISM, cho rằng hoạt động kinh doanh trong nửa sau năm 2019 dự kiến kém hơn so với nửa đầu năm 2019 trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu sụt giảm.

[Chuyên gia hàng đầu của IMF nhận định kinh tế Mỹ giảm sâu năm 2019]

Các doanh nghiệp chế tạo dự đoán hoạt động xuất khẩu sẽ giảm mạnh trong năm 2019 và đổng USD tiếp tục tăng giá.

Trong năm 2019, nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng 3,2%, cao hơn một chút so với 3,1% năm nay và tốc độ tăng trưởng sẽ giảm dần xuống ngưỡng khoảng hơn 2%.

Tăng trưởng ngắn hạn duy trì ở mức khá mạnh do tác dụng kích cầu của chính phủ và chỉ số niềm tin doanh nghiệp và niềm tin tiêu dùng khá cao.

Tuy nhiên sang năm 2019, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ khó duy trì được ở mức này do lãi suất tăng cao khi những ảnh hưởng của gói kích cầu của chính phủ sẽ không còn và những hạn chế về nguồn lao động cũng như năng lực bộc lộ rõ.

Trước đó, các chuyên gia kinh tế của tổ chức nghiên cứu độc lập The Conference Board cho rằng chỉ số tăng trưởng năng suất lao động của Mỹ phải đạt được mức cao hơn hiện nay mới có thể giúp nước Mỹ tránh được rủi ro rơi vào suy thoái kinh tế .

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại New York, ông Ken Goldstein, chuyên gia kinh tế của The Conference Board, cho biết tăng trưởng năng suất 2 hay 3% như hiện nay đã là rất cao và xu hướng tăng trưởng chỉ số này sẽ phải thấp hơn, chỉ khoảng 1,5%.

Trong thời gian tới, tốc độ tăng trưởng năng suất của Mỹ không thể tăng hơn thế và sẽ chỉ ở mức 1,5% trong hai năm tiếp theo.

Để tăng năng suất lao động trong thời gian tới, theo ông Goldstein, nước Mỹ cần tăng đầu tư cho lĩnh vực đào tạo nghề và phương tiện làm việc để người lao động làm việc hiệu quả hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.