Triển vọng tươi sáng cho quan hệ thương mại Việt Nam-Maroc

Theo Đại sứ Maroc tại Việt Nam Chouaibi, Việt Nam-Maroc có thể thực hiện các dự án đầu tư 3 bên hoặc 4 bên ở châu Phi, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, với sự tham gia của các nhà tài trợ quốc tế.
Triển vọng tươi sáng cho quan hệ thương mại Việt Nam-Maroc ảnh 1Đại sứ Maroc tại Việt Nam, Jamale Chouaibi. (Ảnh do Đại sứ quán Maroc tại Việt Nam cung cấp)

Việt Nam có thể tin tưởng rằng Maroc sẽ tạo điều kiện hỗ trợ các công ty Việt Nam trong việc tiếp cận an toàn vào các thị trường địa phương và khu vực, dựa trên kinh nghiệm mà Maroc tích lũy được trong hoạt động kinh doanh ở châu Phi.

Đó là khẳng định của Đại sứ Maroc tại Việt Nam Jamale Chouaibi khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN trước thềm Tết Nguyên đán 2023.

Theo Đại sứ Jamale Chouaibi, nhiều điểm tương đồng giữa Maroc và Việt Nam giúp thúc đẩy hợp tác và phối hợp giữa hai nước trong tương lai.

Hai nước có điểm chung về vị trí địa chiến lược, Maroc được xem là cửa ngõ vào châu Phi và châu Âu, còn Việt Nam là cửa ngõ vào khu vực Đông Nam Á.

Hai nước đều là những nền kinh tế mới nổi năng động, với tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, thúc đẩy các chính sách đa dạng hóa đối tác thương mại và nguồn nhân lực.

Là nhà đầu tư lớn nhất ở Tây Phi và là nhà đầu tư lớn thứ hai ở châu Phi, Maroc có sự hiện diện đáng kể ở châu lục trong các lĩnh vực hoạt động quan trọng như bảo hiểm, ngân hàng, năng lượng và viễn thông.

Trong khi đó, bất chấp tác động hậu COVID-19, Việt Nam vẫn là một trong số ít quốc gia tăng trưởng nhanh nhất không chỉ ở châu Á, mà trên toàn cầu. Nền kinh tế Việt Nam cũng thể hiện khả năng phục hồi đáng kể, đạt mức tăng trưởng 8%.

Tốc độ tăng trưởng vượt mọi dự đoán này đã được các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá cao. Hơn nữa, Việt Nam cũng ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và thặng dư thương mại vượt trội.

Đại sứ Jamale Chouaibi nhận định Việt Nam và Maroc có thể cùng thực hiện các dự án đầu tư ba bên hoặc bốn bên tại các nước châu Phi, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, với sự tham gia của các nhà tài trợ quốc tế.

[Cổng Việt Nam - công trình có tính biểu tượng trong quan hệ với Maroc]

Đại sứ Jamale Chouaibi cho rằng, việc củng cố các mối quan hệ hợp tác là kết quả mong muốn chung của hai nước nhằm thúc đẩy và tăng cường hợp tác Nam-Nam.

Việt Nam đang tập trung chiến lược trong tương lai vào việc mở rộng và đa dạng hóa mạng lưới đối tác kinh tế ngoài các đối tác truyền thống ở Nam Phi. Đông Phi và Tây Phi sẽ là mục tiêu tiếp theo của hành động kinh tế và thương mại.

Cả hai nước đều có ý chí chính trị mạnh mẽ nhằm củng cố và mở rộng quan hệ đối tác song phương. Điều này được chứng minh bằng việc ngày càng có nhiều thỏa thuận được ký kết giữa hai nước, bao gồm nhiều lĩnh vực như thương mại và đầu tư, năng lượng và khai khoáng, ngân hàng, giáo dục và đào tạo, dịch vụ hàng không, cũng như các biên bản ghi nhớ.

Các biên bản ghi nhớ này giúp thúc đẩy một hình thức hợp tác phi tập trung đang phát triển ở cấp độ các thành phố và cảng cũng như các trường đại học.

Về góc độ kinh tế, sự phát triển tích cực của quan hệ hợp tác song phương thể hiện qua trao đổi thương mại giữa hai nước không ngừng tăng lên. Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng thứ hai của Maroc trong ASEAN.

“Việc Maroc bổ nhiệm lãnh sự danh dự ngày 7/12/2021 tại Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế-tài chính của Việt Nam, đã tạo động lực mới, góp phần gia tăng cơ hội giao thương và kinh doanh giữa hai nước,” ông Jamale Chouaibi khẳng định.

Theo Đại sứ Jamale Chouaibi, việc kết nghĩa giữa thành phố Casablanca, trung tâm công nghiệp và tài chính của Maroc, với Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai sẽ hỗ trợ cho sự năng động này và chắc chắn sẽ tạo ra động lực mới trong sự phát triển hợp tác song phương.

“Các kế hoạch đầy tham vọng mà hai nước đưa ra về năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, du lịch, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và hậu cần, phát triển công nghiệp và công nghệ, với mục tiêu trở thành các nền kinh tế mới nổi hàng đầu trong khu vực, sẽ là cơ hội để Maroc và Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm thông qua các ủy ban liên ngành,” Đại sứ Jamale Chouaibi nhấn mạnh.

Nhân dịp Tết cổ truyền của Việt Nam, Đại sứ Jamale Chouaibi hy vọng năm mới sẽ mang đến niềm hy vọng và hoài bão về thành công và thắng lợi, tạo động lực mới cho người dân Việt Nam trên con đường mưu cầu hạnh phúc và thịnh vượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.