Triều Tiên chỉ trích việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc

Tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên cho rằng động thái của Nhật Bản nhằm gia tăng sức ép kinh tế với Hàn Quốc, lẩn tránh trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động thời chiến.
Hệ thống panel kiểm soát năng lượng của hãng công nghệ cao Toshiba của Nhật Bản được giới thiệu tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển khí hydro ở Tokyo. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hệ thống panel kiểm soát năng lượng của hãng công nghệ cao Toshiba của Nhật Bản được giới thiệu tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển khí hydro ở Tokyo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 10/7, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, đăng bài xã luận chỉ trích "biện pháp trả đũa kinh tế" của Nhật Bản siết chặt xuất khẩu 3 mặt hàng vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc.

Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn bài báo cho rằng động thái trên của Nhật Bản nhằm gia tăng sức ép kinh tế với Hàn Quốc, lẩn tránh trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động thời chiến.

Trước đây, Triều Tiên từng chỉ trích động thái thương mại của Nhật Bản thông qua các kênh truyền thông đối ngoại, tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Triều Tiên đưa ra phản ứng chính thức thông qua cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên.

Triều Tiên đưa ra phản ứng trên sau khi giới chức Nhật Bản bày tỏ nghi ngờ một số mặt hàng chiến lược mà Hàn Quốc nhập khẩu từ Nhật Bản, trong đó có vật liệu công nghệ cao hydrogen fluoride, đã được đưa sang Triều Tiên.

Hydrogen fluoride (khí ăn mòn) là một trong 3 loại vật liệu công nghệ cao, cùng fluorinated polyimide (nhựa nhiệt dẻo) và resist (chất cản màu), bị Nhật Bản hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc từ ngày 4/7.

Các vật liệu này được sử dụng trong sản xuất các chất bán dẫn và màn hình. Biện pháp này có khả năng ảnh hưởng đến các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Hàn Quốc như Samsung Electronics, SK Hynix và LG Electronics.

Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc và Nhật Bản tranh cãi về vấn đề bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên.

Năm ngoái, Tòa án Tối cao Hàn Quốc ra phán quyết các công ty Nhật Bản phải trả tiền bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc.

Trong khi đó, phía Nhật Bản khẳng định vấn đề bồi thường liên quan thời chiến đã được giải quyết dứt điểm theo hiệp định bình thường hóa quan hệ song phương ký kết năm 1965.

Liên quan vấn đề trên, phía Nhật Bản đã đề xuất chỉ định nước thứ ba đóng vai trò điều đình về phán quyết của Tòa án tối cao Hàn Quốc yêu cầu công ty Nippon Steel của Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động thời chiến.

[Tokyo không xem xét dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu hàng công nghệ cao]

Tuy nhiên, nhiều khả năng Chính phủ Hàn Quốc không chấp thuận yêu cầu này. Truyền thông Nhật Bản dự đoán chính phủ nước này có thể sẽ áp đặt thêm biện pháp trả đũa Hàn Quốc.

Trong bối cảnh trên, các doanh nghiệp Hàn Quốc nhập khẩu vật liệu và phụ kiện từ Nhật Bản đang gấp rút lên kế hoạch khẩn cấp tìm nguồn nhập khẩu mới.

Công ty hóa học LG đã tiến hành khảo sát nguồn vật liệu thay thế từ các doanh nghiệp trong nước, Trung Quốc và các nước châu Âu.

Có thông tin cho rằng, sợi cácbon, vật liệu được sử dụng sản xuất bình đựng khí hydro cho ô tô chạy bằng nhiện liệu hydro, là một trong các mặt hàng có khả năng sẽ bị Nhật Bản siết chặt quy định xuất khẩu tiếp theo.

Hãng ôtô Hyundai đang lên kế hoạch khẩn cấp để tìm đối tác mới cung cấp vật liệu. Hãng điện tử Samsung cũng đang xem xét dùng nguyên liệu thay thế sản xuất trong nước.

Theo kết quả khảo sát 260 doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất các mặt hàng liên quan vật liệu công nghệ cao, nếu biện pháp siết chặt xuất khẩu của Nhật Bản kéo dài, hơn 59% doanh nghiệp cho biết khó có thể chống đỡ được.

Hơn một nửa trong số này thừa nhận chưa có đối sách cũng như chưa thể đưa ra kế hoạch khẩn cấp như các doanh nghiệp lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.