Trồng rau sạch tại nhà có thật sự an toàn và đem lại năng lượng tích cực?

Trồng rau tại nhà không phải lúc nào cũng đem lại năng lượng tích cực cho những thành viên khác trong gia đình. Nhiều “nông dân sân thượng” chia sẻ họ đã vấp phải sự phản đối gay gắt của người nhà.
Vườn cà chua sai trĩu quả của anh Toàn ở Hà Nội. (Nguồn: Facebook Toàn Nguyễn - Chú Toàn Béo)

Những năm gần đây, xu hướng trồng rau sạch trên sân thượng, ban công dường như đang bùng nổ, với hàng nghìn bài viết trên các ấn phẩm báo chí, cũng như hàng trăm hội nhóm chia sẻ công thức, kinh nghiệm làm vườn tại gia đình trên các mạng xã hội.

Khác với nhiều trào lưu khác, làm vườn trên sân thượng có vẻ như là một trào lưu khá lành mạnh, và đặc biệt tốn rất nhiều công sức. Khác với trang trí nhà cửa, nấu ăn, chăm sóc chó mèo, việc trồng rau củ tại những khoảng sân vườn trên cao này vất vả hơn nhiều, bởi nó yêu cầu nhiều hoạt động thể chất và chân tay hơn.

Tuy nhiên, dù vất vả như vậy, những bức hình đươc lan tỏa khắp nơi với những mảnh ban công nhỏ xíu ngập tràn rau quả, những góc sân thượng xanh mướt đẹp như mơ vẫn khiến cho không ít người yêu thích và sẵn sàng dành thời gian, công sức và khá nhiều tiền bạc để chăm bón cho góc vườn riêng của mình.

Nhưng làm vườn trên sân thượng có thực sự đơn giản và lành mạnh như vậy hay không, có để lại hậu quả gì không? Đây là một vấn đề thật ra không hề dễ trả lời, nếu bạn không thực sự tham gia thật sâu vào trào lưu đặc biệt này.

“Mát tay” có phải là một năng khiếu trời sinh?

Chị Trang, ở Đội Cấn, cho biết nhà chị có một khoảng sân thượng nhỏ ở trên tầng 4. Thời gian đầu, chị thuê thợ về lắp một giàn kệ sắt hai tầng đủ để đặt 14 khay đất có kích thước 40x60cm với chi phí 3 triệu đồng.

Chị Hiền (Thạch Thất, Hà Nội) khoe thành quả thu hoach trên sân thượng. (Nguồn: Vietnam+)

Sau đó, chị tốn thêm 500.000 đồng để mua đất và phân bón, cùng một vài túi hạt giống rau. Lứa rau đầu tiên lên xanh tốt mơn mởn, chị rất hào hứng vì đã có nguồn rau sạch cho gia đình. Nhưng những lần trồng sau đó rau ngày càng trở nên èo uột, dễ chết. Chán nản, chị từ bỏ việc trồng rau và để mặc cho “mảnh vườn” nhỏ trở nên um tùm cỏ dại.

Chị vẫn băn khoăn không hiểu sao nhà hàng xóm chỉ tưới nước gạo là rau mọc xanh tốt, trong khi chị nâng niu từng lá rau thì rau càng trở nên héo úa, và đổ lỗi cho mình là không “mát tay.”

“Mát tay” có lẽ là một từ ngữ được dùng nhiều nhất mỗi khi ai đó nhìn thấy người khác làm được thành công một việc mà họ thấy rất khó khăn. Tuy nhiên, năng khiếu bẩm sinh vốn là một tài sản hiếm có không phải ai cũng dễ dàng có được, nên không phải ai “mát tay” cũng là có một năng lực trời ban.

Tuy nhiên, những hội nhóm về trồng rau tại nhà trên mạng xã hội chính là một “lớp học online” dành cho những nông dân nghiệp dư này. Đó là nơi những người trồng rau chia sẻ tình trạng hiện tại, học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, qua đó tự tích lũy được những “vốn liếng” của bản thân mình.

Chị Hà, một người làm vườn đã bắt đầu thu hái được thành quả trên mảnh sân thượng nhỏ bé của mình, cho biết chị cũng đã từng trải qua thời gian chán nản và muốn buông xuôi khi vườn rau của mình dù nâng niu hết cỡ vẫn lụi dần rôi chết.

Tuy nhiên, khi tham gia các nhóm trồng rau trên sân thượng, chi đã học được cho mình một bài học đơn giản, đó là cây cối cũng giống như con người, phải khám ra đúng bệnh, tìm được đúng thuốc chữa, và phải biết học hỏi những người xung quanh.

Chị đưa mọi vấn đề của mình lên nhóm, và sau nhiều chắt lọc, chị đã tìm ra cách giải quyết cho những vấn đề cơ bản nhất, như vàng lá do thiếu chất, chậm lớn do thiếu nắng, úa rìa lá khi thừa đạm…, cũng như học cách làm đất thật kỹ cho mỗi lứa rau mới, từ đó tự tin thu hái thành quả của mình.

Theo chị Hà, sai lầm căn bản của người mới làm vườn là không quan tâm đến các yếu tố tự nhiên như ánh nắng, hướng gió, nên rau sẽ lớn chậm, mỏng manh, èo uột. Sai lầm tiếp theo là coi nhẹ yếu tố làm đất. Sau lứa rau đầu tiên, người trồng rau cần dành thời gian cải tạo lại đất để đất màu mỡ trở lại trước khi trồng lượt tiếp theo, để tránh tình trạng rau còi cọc.

Bên cạnh đó, việc tìm hiểu thật kỹ các đặc tính của cây trồng cũng rất quan trọng, bởi có cây ưa nắng, có cây ưa mát, có cây cần nhiều nước, có cây cần ít nước, cây trồng mùa dông, cây trồng mùa hè. Chỉ cần nắm vững các yếu tố này, tỷ lệ thành công sẽ tăng cao.

Chị cho biết giờ đây, chị cũng được hàng xóm khen là “mát tay” khi trồng rau xanh tốt. Nhưng bản thân chị hiểu rõ kinh nghiệm mới là điều quan trọng nhất trong mỗi công việc, và trồng rau cũng không phải là một ngoại lệ.

Vợ chồng cãi nhau vì trồng rau

Trồng rau tại nhà không phải lúc nào cũng đem lại những năng lượng tích cực cho những thành viên khác trong gia đình. Nhiều “nông dân sân thượng” chia sẻ họ đã từng, hoặc đang vấp phải sự phản đối gay gắt của người nhà.

Người trồng rau nên kê cao lên cách mặt đất 30cm để thoáng nước và tiện lau dọn. (Nguồn: Vietnam+)

Không giống như cây cảnh chỉ tưới nước và bón những viên phân nén nhỏ li ti, người trồng rau thường xuyên phải thay đất, trộn đất, bón các loại phân hữu cơ, ủ rác nhà bếp. Do đó, phía sau những mảnh vườn đẹp lung linh xanh mướt là ngổn ngang những bao bì, dụng cụ, thùng chậu xô. Nếu không biết sắp xếp hợp lý, ngôi nhà sẽ trở nên bừa bộn và bẩn thỉu, ảnh hưởng đến cuộc sống chung.

Bên cạnh đó, nếu không tính toán hợp lý, trồng rau sân thượng thậm chí còn có thể gây ẩm, mốc, thậm chí hỏng nhà. Chị Hương (Thạch Thất, Hà Nội) cho biết lần đầu trồng rau, chị thường đặt trực tiếp các thùng xốp lên trên mặt sàn. Trải qua một thời gian dài, nước tưới rau bị ứ đọng dưới đáy thùng ngấm vào sàn, gây ngấm trần. Lá cây rụng cũng khiến đường thoát nước mưa bị tắc, khiến nước dội ngược lại vào trong nhà.

Trong năm đầu tiên chị Hương trồng cây, chi phí sửa chữa nhà cửa của gia đình lên tới gần 100 triệu đồng. Không chỉ tốn kém về tài chính, sự việc này còn khiến chị và chồng mâu thuẫn trong một thời gian dài.

Sau này, chị Hương rút kinh nghiệm, luôn đặt các chậu, khay trồng rau lên những chiếc kệ cao cách mặt sàn 30cm cho thoáng gió, nhanh khô sàn. Chị cũng thiết kế những khay hứng nước và lắp lưới chắn rác ở miệng cống thoát nước.

Sau một thời gian dài, khu vườn nhỏ đã trở lại sạch sẽ ngăn nắp, chồng chị từ chỗ phản đối vợ, giờ đã tích cực giúp vợ tưới rau, lắp kệ, đặc biệt khi bữa cơm gia đình được phủ xanh bởi những loại rau tự trồng.

Sự lo ngại quá mức?

Một lý do quan trọng nhất để nhiều người quan tâm tới việc trồng rau tại nhà, đó là bởi kỳ vọng được ăn rau sạch, rau hữu cơ, cũng như lo ngại có thể mua phải những loại rau không an toàn đang được bày bán ngoài thị trường.

Một cây kale trồng thùng xốp. (Nguồn: Vietnam+)

Trong các hội nhóm, diễn đàn về trồng rau sạch tại nhà, những người tham gia thường bày tỏ nỗi lo ngại về các loại rau quả được bán ở thị trường bên ngoài, cho rằng không được sạch, và chỉ tự tay trồng tại gia đình mới đảm bảo an toàn khi sử dụng. Ý kiến này cũng gây ra khá nhiều tranh cãi.

Chị Ánh (Đại Kim, Hà Nội) cho biết chị mua hành ở chợ và phát hiện dưới gốc hành vẫn còn một thuốc nhuộm màu tím. Lo lắng, chị đăng ảnh lên một diễn đàn trồng rau sạch khá uy tín để tìm hiểu về vấn đề này.

Hầu hết những người tham gia trả lời đều cho rằng đây là một loại thuốc được phun để trị nấm, và cần được cách ly kỹ trước khi ăn. Thậm chí có ý kiến cho rằng màu xanh tím này là từ đồng sunfat, rất có hại cho cơ thể.

Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến khác cho rằng đây thực chất chỉ là thuốc bảo vệ thực vật thông thường, và việc phun thuốc trừ bệnh cho cây trồng rất quan trọng, đặc biệt khi trồng ở quy mô lớn, cây gặp nhiều nguy cơ nhiễm bệnh. Việc phun thuốc cho cây cũng giống như việc tiêm vaccine ở người, đảm bảo cho người dân được sử dụng sản phẩm an toàn không sâu bệnh, nhưng phải đảm bảo liều lượng và cách ly đúng cách.

Theo các chuyên gia, thực phẩm sạch là thực phẩm được nuôi trồng vẫn sử dụng các chất hóa học như thuốc trừ sâu, hóa chất tổng hợp... Nhưng các hóa chất đều được xử lý theo quy trình đảm bảo khi đầu ra, thực phẩm chỉ còn dư lượng các chất độc hại dưới mức cho phép, không gây hại sức khỏe cho người tiêu dùng.

Thực phẩm được coi là sạch là khi đến tay người tiêu dùng không còn chứa tạp chất, không chứa tác nhân sinh học gây bệnh, phải có nhãn mác về nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được kiểm tra, đánh giá chứng nhận về an toàn thực phẩm. Để chọn được thực phẩm sạch, bạn nên chọn các loại còn tươi sống và có gắn nhãn mác truy xuất nguồn gốc, không nên chọn loại bị héo, màu bất thường, không có nhãn mác.

Đối với những loại rau củ mua ngoài chợ, việc quản lý hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật là gần như không thể. Tuy nhiên, đối với một số người làm vườn, việc tin tưởng quá mức vào các loại rau tự trồng, dẫn đến việc lo ngại quá mức về rau được bán trên thị trường có thể dẫn đến những hiệu ứng tiêu cực.

Chị Ánh cho biết sau khi đăng bài và đọc các bình luận trả lời ở dưới, ban đầu chị rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng bảo những lời nhận xét “rau ở chợ toàn thuốc không nên ăn.”

Chị cho biết bản thân mình không có thời gian hay điều kiện để tự trồng rau, cũng không đủ tiềm lực kinh tế để mua những loại rau sạch hữu cơ với giá rất đắt, nên có thể mua rau ở chợ gần nhà. Do đó, chị rất lo lắng, thậm chí vài ngày sau đó chị không dám đi chợ mua rau mà phải nhờ người nhà gửi rau từ quê lên.

Tuy nhiên, sau những trạng thái tiêu cực ban đầu, chị đánh giá việc trồng rau gia đình tại nhà rất khác biệt so với trồng với quy mô lớn để kinh doanh. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là không tránh khỏi, và đem tiêu chí tự trồng áp dụng cho tiêu chí kinh doanh là một so sánh khập khiễng.

Bên cạnh việc nói lời cám ơn đến những thành viên diễn đàn đã nhiệt tình tư vấn để chị phân biệt được rau sạch và rau có thuốc, chị cũng bày tỏ mong muốn những “nông dân tại gia” có thể công bằng và nhẹ nhàng hơn đối với những sản phẩm “đại trà” bởi điều đó có thể gây ảnh hưởng đến những người kinh doanh, và đem lại tâm trạng hoang mang cho những người tiêu dùng.

Những lưu ý quan trọng khi bạn bắt đầu trồng rau tại nhà:

Càng nhiều ánh nắng trực tiếp càng tốt: Hãy dành một ngày đứng tại vườn để quan sát hướng nắng, giờ nắng, đánh dấu những khu vực nắng nhiều nhất và ít nắng nhất để lựa chọn cây phù hợp.

Tìm hiểu kỹ đặc tính sinh học của cây: Mỗi loại cây có một yêu cầu riêng về nắng, về nước hay phân bón. Việc tìm hiểu kỹ trước khi trồng sẽ đem lại hiệu quả cao hơn, tránh tình trạng khi cây chậm lớn, sâu bệnh mới tìm cách chữa trị.

Mùa nào cây đó: Trồng cây đúng theo mùa sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn là việc cố gắng trồng các loại cây trái mùa.

Làm đất thật kỹ: Việc tuân thủ các hướng dẫn chi tiết về cách thức trộn đất với các loại phân bón, chất làm tơi xốp sẽ khiến cây trồng có tuổi thọ cao hơn.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục