Trồng thành công cây tam thất trên cao nguyên Đồng Văn

Sau nhiều năm nghiên cứu, Hà Giang đã trồng thành công giống tam thất trên cao nguyên Đồng Văn, mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân nơi đây.

Ông Giang Lộc Thăng, Giám đốc Trung tâm giống cây trồng và gia súc Phó Bảng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang cho biết, sau nhiều năm kiên trì nghiên cứu, Trung tâm giống cây trồng và gia súc Phó Bảng (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Giang) đã đưa vào trồng khảo nghiệm trên ba vạn cây tam thất trên diện tích 570 m2.

Sau hơn một năm đưa vào trồng khảo nghiệm, hiện diện tích cây tam thất đang sinh trưởng và phát triển tốt trên Cao nguyên đá Đồng Văn.

Tam thất là một loại cây dược liệu quý, có giá trị cao cả về kinh tế và dược liệu. Đây là cây có nhiều tiềm năng giúp vùng cao thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo.

Loại cây này được mệnh danh là "Kim bất hoán" có nghĩa là vàng không đổi được. Hiện nay, tam thất được dùng để chữa bệnh trong đông y và có nhiều công dụng cho sức khỏe của con người. Chính vì vậy, lượng tiêu thụ tam thất rất lớn.

Theo cán bộ kỹ thuật Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phó Bảng, việc chọn nơi có khí hậu phù hợp để trồng tam thất có ý nghĩa rất quan trọng. Vì cây tam thất chỉ trồng được ở nơi có yêu cầu về đất đai, khí hậu rất nghiêm ngặt, chỉ sinh sống và phát triển ở vùng núi cao, khí hậu lạnh và mát quanh năm.

Nhiệt độ thích hợp cho loại cây này trung bình từ 20 đến 25 độ C. Đặc biệt, cây tam thất chỉ phát triển được dưới bóng râm có ánh sáng tán xạ nên phải làm giàn che (3 phần sáng, 7 phần tối).

Tam thất là cây thân thảo, sau khi trồng từ năm thứ 3 trở đi cây bắt đầu cho thu hoạch củ, nhưng để củ tam thất có chất lượng tốt thì phải thu hoạch sau trồng từ 6 đến 7 năm.

Trong y học cổ truyền, các bộ phận của cây tam thất đều được dùng làm thuốc. Ngoài củ tam thất là một loại dược liệu quý, hạt tam thất dùng để làm giống, hoa tam thất dùng làm trà thanh nhiệt, rễ tam thất cũng có giá trị kinh tế rất cao. Giá tam thất ở thời điểm hiện nay khoảng từ 2,5-4 triệu đồng/kg.

Để phát triển loại cây dược liệu quý trên Cao nguyên đá Đồng Văn, hiện Trung tâm giống cây trồng và gia súc Phó Bảng đang tiến hành chuẩn bị đất, phân bón để trồng mới diện tích 2.000 m2 tại thị trấn Phó Bảng (huyện Đồng Văn).

Việc khảo nghiệm trồng thành công cây tam thất trên Cao nguyên đá Đồng Văn là một tín hiệu đáng mừng. Trong tương lai không xa, cây tam thất ở Phó Bảng, huyện Đồng Văn sẽ làm phong phú thêm danh mục thảo dược của Việt Nam nói chung và Hà Giang nói riêng. Đây cũng là cây sẽ góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc thiểu số ở địa phương./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.