Vài năm trở lại đây, cây thanh long đã dần trở nên quen thuộc với đồng bào thiểu số ở nhiều địa phương tại tỉnh miền núi Sơn La. Sắc xanh đầy sức sống và sắc đỏ trù phú của thanh long đã dần phủ kín, thay thế cho những vạt rừng trồng ngắn ngày và những loại nông sản có giá trị kinh tế thấp.
Tại huyện Mai Sơn, gia đình ông Trần Văn Dực là một trong những hộ đi đầu trong phong trào trồng thanh long. Sau hơn 5 năm làm quen và phát triển, cây trồng mới này đã cho thấy những hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Ông Dực cho biết: “Để mang lại lợi nhuận cao cùng trên 1ha thì cây thanh long là số một. Trồng đến năm thứ 4, nếu chăm sóc kém thì loại cây này cũng cho thu về khoảng 400 triệu đồng, trong đó chi phí bỏ ra chưa đến 100 triệu đồng. Thời gian để được thu cũng rất nhanh. Nếu chăm sóc tốt thì chỉ 6 tháng là cây bói quả, đến năm thứ 2 là có thể thu chính.”
Khác với gia đình ông Dực, để có được một vườn thanh long với hơn 2.000 cột, gia đình chị Lò Thị Dưng và chị Hoàng Thị Thảo phải “cõng cây thanh long lên núi.” Khu vườn nằm giữa một thung lũng ở huyện Thuận Châu, có độ cao khoảng 900m so với mực nước biển. Cây thanh long được hai chị mạnh dạn đầu tư, học hỏi, đưa về trồng từ năm 2017, đến nay cho năng suất cao và đã xuất khẩu được vào hai thị trường khó tính là Nga và Nhật Bản.
Theo Hoàng Thị Thảo: “Khu vực này trước đây đất rất xấu, người dân ở đây trồng cây sắn, cây ngô mà cũng không lên được. Chúng tôi đã bàn bạc, quyết định chuyển đổi, bỏ thêm vốn trồng thanh long. Cây này không mất mùa, lại rải vụ nữa.”
Bà Lò Thị Dưng cho hay: “Khi mang cây thanh long về, chúng tôi hoàn toàn chưa biết gì, phải học hỏi từ đầu. Muốn bón phân cũng sợ cây thối rễ, nên muốn làm gì cũng phải gọi điện hỏi kinh nghiệm của các hợp tác xã khác liên tục. Lúc đầu cũng chỉ muốn trồng vài trăm trụ tồi tới vài nghìn trụ... chứ cũng không nghĩ đến ngày hôm nay lại có thể xuất khẩu đi Nga, đi Nhật được.”
Với sự hỗ trợ của các hợp tác xã, cây thanh long đã và đang được nhân rộng phát triển tại những vùng đất phù hợp thuộc các huyện Thuận Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Mộc Châu, Sông Mã, Sốp Cộp với khoảng 200ha. Sản lượng năm nay ước đạt 2.000 tấn. Nếu như năm 2019 mới xuất khẩu được 9 tấn thì năm nay dự tính có hơn 50 tấn thanh long Sơn La được xuất khẩu đến những thị trường khó tính.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh-Giám đốc hợp tác xã Ngọc Hoàng: “Lượng thanh long năm nay xuất khẩu vào Nga đạt 12 tấn, sắp tới có 7 tấn sẽ đi Nhật. Từ nay đến cuối năm sẽ còn khoảng 40 tấn xuất đi các thị trường khó tính.”
Ông Nguyễn Thành Công-Giám đốc sở Nông nghiệp Sơn La khẳng định: “Thanh long của chúng tôi đã đi Nga, rồi tiếp tới sẽ đi Nhật, cho thấy tín hiệu rằng các sản phẩm nông nghiệp cảu Sơn La đã thực sự sản xuất theo các quy trình an toàn, mẫu mà và chất lượng đều đạt tiêu chuẩn để các thị trường khó tính chấp nhận.”
Các chuyên gia nông nghiệp nhận định, điều kiện thỗ nhưỡng ở Sơn La đã tạo cho quả thanh long có hương vị đặc biệt mà những vựa thanh long phía Nam không có. Thực tế là những thị trường như Nhật, Nga đã đánh giá rất cao những lô thanh long chào hàng đầu tiên. Đây là động lực khích lệ đồng bào vùng cao tuân thủ quy trình sản xuất, quyết tâm vươn ra thị trường lớn./.