Theo tờ Liên hợp Buổi sáng của Singapore có chi nhánh ở Hong Kong, mặc dù trong cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Tập bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ngày 1/12 vừa qua ở Argentina, hai nước Trung-Mỹ đã đạt được sự đồng thuận về việc “tạm thời ngừng chiến tranh thương mại” song khi trả lời phỏng vấn của các phóng viên kinh tế Nhật Bản mới đây, nhà đầu tư quốc tế nổi tiếng Jim Rogers nhận định rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiếp tục phát động một cuộc chiến tranh thương mại thực sự.
Rogers giải thích: “Trong bối cảnh cả thế giới đều quan tâm đến quan hệ Trung-Mỹ, việc nguyên thủ hai nước gặp nhau để tạm thời hòa giải quan hệ căng thẳng đã được dự đoán từ trước. Tuy nhiên, sự thay đổi trạng thái dường như chỉ là tạm thời.
Năm tới (2019) hoặc năm sau nữa (2020), khi nền kinh tế Mỹ u ám, nhiều khả năng Trump sẽ phát động một cuộc chiến thương mại thực sự.
Trump tin rằng thắng lợi của cuộc chiến thương mại sẽ giải quyết các vấn đề mà Mỹ phải đối mặt, mặc dù trên thực tế cuộc chiến sẽ không có người chiến thắng.
Cũng như cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động vào năm 1930 (sau cuộc đại khủng hoảng) đã gián tiếp trở thành ngòi nổ của Chiến tranh thế giới thứ 2, không phủ nhận khả năng trong tương lai sẽ phát triển thành trạng thái theo kiểu xung đột vũ trang.”
Chuyên gia Rogers cho rằng nếu bị cuốn vào một cuộc chiến thương mại quy mô lớn, người dân trên khắp thế giới sẽ cảm thấy bất an về tương lai, tâm lý sẵn sàng tiêu dùng và đầu tư bị suy giảm sẽ dẫn đến sự suy thoái nhanh chóng của nền kinh tế thế giới.
Cùng với việc tăng lãi suất (do sự suy giảm về khả năng tín dụng của chính phủ và doanh nghiệp), gánh nặng trả nợ tích lũy của các nước tăng lên tương ứng, qua đó dẫn đến tình trạng tài chính ngày càng xấu đi.
Cũng theo Rogers, Nhật Bản là một cường quốc về thương mại, quy mô nợ công rất lớn, cuộc chiến thương mại sẽ gây tổn hại lớn cho Nhật Bản. Trong khi đó, các nước có nợ công nhỏ, giàu tài nguyên như Nga dự kiến sẽ ít bị ảnh hưởng, nhưng rốt cuộc, cuộc chiến thương mại sẽ chẳng có lợi gì cho tất cả các quốc gia và khu vực.
Riêng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất, Rogers cho rằng việc bình thường hóa chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ không chỉ gây tổn hại cho các nước có thị trường mới nổi mà còn gây thiệt hại cho nền kinh tế của nhiều quốc gia phát triển với những khoản nợ khổng lồ.
[Lo ngại đổ vỡ thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung]
Tuy nhiên, nợ đã phình ra mà lại không có giải pháp. Việc thực hiện nới lỏng tiền tệ quy mô lớn chưa từng có của các ngân hàng trung ương Mỹ, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác là khởi điểm của tất cả các vấn đề.
Ngân hàng Nhật Bản (ngân hàng trung ương) mua tất cả các tài sản bao gồm cả Quỹ giao dịch đầu tư chỉ số (ETF).
Cái điều khó tưởng tượng trong vài thập kỷ trước, đến nay đã xảy ra. Ông nói: “Nếu ngân hàng trung ương mất kiểm soát (về chính sách), ngay cả khi muốn hỗ trợ nền kinh tế mà cắt giảm lãi suất, nó sẽ chỉ có tác dụng tạm thời, và dần dần sẽ không thể kiềm chế được sức ép của việc tăng lãi suất. Mặc dù biết rằng việc Mỹ tăng lãi suất là rủi ro, song chúng ta lại đành phải trả giá cho điều này.”
Trước thực trạng của thị trường tài chính năm 2018 là đồng USD tăng mạnh và tiền tệ của các nước có thị trường mới nổi đã phải bán tháo, chuyên gia Rogers dự báo rằng đồng USD sẽ tiếp tục tăng giá.
“Khi lo ngại về nền kinh tế thế giới tăng lên, đồng USD sẽ càng được mua vào như một loại tiền tệ tránh rủi ro và đồng USD sẽ tăng giá so với tất cả các tài sản khác,” ông nói.
Tuy nhiên, nếu quá nhiều người tiếp tục mua USD trong 1-2 năm tới, tỷ giá USD sẽ được đánh giá quá cao và đạt đến mức "bong bóng," không biết điều gì sẽ xảy ra khi đó.
Nếu Trung Quốc có thể thúc đẩy tiến trình tự do hóa đồng nhân dân tệ thì đồng tiền này có thể trở thành một lựa chọn để tích lũy, thay vì đồng USD./.