Trưng bày Bộ sưu tập hiện vật Hoàng thành Thăng Long tại TP.HCM

Trưng bày “Hiện vật Hoàng thành Thăng Long” sẽ diễn ra tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, số 114 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Nghé, Quận 1, từ ngày 28/9.
Một cổ vật quý hiếm được tìm thấy trong quá trình khai quật ở Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Trưng bày “Hiện vật Hoàng thành Thăng Long” sẽ diễn ra tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, số 114 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 28/9.

Cuộc trưng bày do hai Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất giao cho Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Đây là hoạt động thiết thực tiếp nối chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVI và Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Việc trưng bày hiện vật mang ý nghĩa sâu sắc, không chỉ khắc họa và tỏa sáng hơn vẻ đẹp, những dấu ấn về mảnh đất Thăng Long-Hà Nội cũng như Hoàng thành Thăng Long trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc mà còn góp phần tăng cường mối giao lưu văn hóa, lịch sử, bồi đắp thêm tình cảm bền chặt giữa hai thành phố. Qua đó, thể hiện ý thức và trách nhiệm đối với cội nguồn dân tộc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; là động lực lan tỏa mạnh mẽ tinh thần đại đoàn kết tới nhân dân cả nước, thực hiện kết nối các di sản văn hóa toàn quốc.

Tại trưng bày, một không gian Thăng Long-Hà Nội được tái hiện với khoảng 300 hình ảnh, bản đồ, bản vẽ, phim tư liệu và hiện vật giới thiệu về Kinh đô Thăng Long - nơi hội tụ, giao lưu, lan tỏa văn hóa mọi miền trong cả nước, vùng đất địa linh nhân kiệt. Hình ảnh về Hoàng cung Thăng Long hiện lên qua các dấu tích nền móng kiến trúc, qua các di vật được phát lộ tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Bề dày lịch sử của Thăng Long-Hà Nội được minh chứng rõ nét qua dấu tích kiến trúc trong các tầng văn hóa qua các thời kỳ chồng xếp lên nhau, trải dài suốt 13 thế kỷ.

Trưng bày “Hiện vật Hoàng thành Thăng Long” được sắp đặt, bài trí thẩm mỹ và khoa học với 3 nội dung chính gồm Chủ đề 1, Đôi nét về Kinh đô Thăng Long-Hà Nội và khu di sản Hoàng thành Thăng Long với 100 hình ảnh, bản đồ và phim tư liệu giới thiệu khái quát, tổng thể về Kinh đô Thăng Long-Hà Nội và khu di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long qua các thời kỳ lịch sử.

Chủ đề 2, vật liệu xây dựng Hoàng thành Thăng Long với hơn 150 hình ảnh, bản vẽ, bài viết và hiện vật vật liệu kiến trúc tiêu biểu, giới thiệu một số đặc điểm kiến trúc, hình dáng, quy mô, vật liệu xây dựng, kỹ thuật xây dựng và các diễn biến kiến trúc, qua đó thể hiện trình độ kinh tế-xã hội, văn hóa, văn minh Việt Nam thời xưa được thể hiện ở Thăng Long.

Chủ đề 3, đồ gốm sinh hoạt trong Hoàng thành Thăng Long với 20 hình ảnh, bản vẽ và một số hiện vật đồ gốm tiêu biểu; giới thiệu về các loại gốm khác nhau, về hoa văn trang trí, kỹ thuật chế tạo, mỹ thuật và phong cách thể hiện đời sống hoàng cung thông qua những đồ gốm cao cấp là để trực tiếp phục vụ sinh hoạt của Hoàng đế, Hoàng gia và triều đình.

Hình thức thể hiện trưng bày được kết hợp giữa hệ thống pano ảnh, bản đồ, bản vẽ về Thăng Long-Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long và sưu tập hiện vật tiêu biểu của khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long cùng tài liệu khoa học phụ như video phim tài liệu giới thiệu về Hà Nội và khu di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục