Trưng bày hiện vật quý về nghệ thuật Đờn ca tài tử

Hơn 100 tư liệu, hiện vật quý và hơn 100 ấn phẩm đã giới thiệu tới công chúng tại Cần Thơ về sự ra đời và phát triển của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.
Trưng bày hiện vật quý về nghệ thuật Đờn ca tài tử ảnh 1Biểu diễn Đờn ca tài tử. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Ngày 8/4, tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố đã khai mạc triển lãm, trưng bày giới thiệu những hình ảnh, hiện vật, tư liệu quý về sự ra đời và phát triển của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Triển lãm là một trong những hoạt động thiết thực nhân dịp nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ vừa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Triển lãm trưng bày hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật và hơn 100 sách, báo, giới thiệu về sự ra đời và phát triển của nghệ thuật Đờn ca tài tử.

Triển lãm nhằm tri ân sâu sắc đối với các bậc tiền bối, các nghệ nhân, nghệ sỹ, nhạc sư, soạn giả, nhà nghiên cứu… đã có công sáng tạo, lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật Đờn ca tài tử ở Cần Thơ nói chung và Nam Bộ nói riêng.

Triển lãm cũng góp phần nâng cao nhận thức, khuyến khích cộng đồng chung tay giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ, Đờn ca tài tử hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19 dựa trên nền tảng nhã nhạc cung đình Huế và ca dao dân ca.

Đờn ca tài tử đã trở nên quen thuộc với người dân Nam Bộ, trong đó, Cần Thơ cũng là một trong những cái nôi sớm hình thành và phát triển nghệ thuật Đờn ca tài tử với nhiều ban, nhóm nổi tiếng, tạo ra lớp nghệ nhân, nghệ sỹ tài năng góp phần cùng các tỉnh thành phía Nam đưa loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử của Việt Nam đến với bạn bè thế giới.

Triển lãm mở cửa đến ngày 15/4/./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Dấu ấn Ngày giải phóng Thủ đô trong kho tàng âm nhạc

Những năm tháng chiến tranh trước, sau ngày Giải phóng Thủ đô để lại dấu ấn trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có âm nhạc; nhiều tác phẩm trở thành bất hủ, thậm chí thành biểu tượng của Hà Nội.