Trưng bày triển lãm chuyên đề “Tìm lại ký ức” tại TP Hồ Chí Minh

Triển lãm giới thiệu đến khách tham quan 250 hình ảnh, tư liệu, hiện vật với bốn nội dung: “Đối mặt với B-52,” “Khách sạn Hilton-Hà Nội,” “Ngày trở về,” “Xây đắp tương lai.”
Khách tham quan triển lãm. (Ảnh: Gia Thuận/TTXVN)

Nhân kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2019), 46 năm Ngày trao trả tù binh phi công Mỹ cuối cùng ở Hà Nội (29/3/1973-29/3/2019), sáng 21/3, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh phối hợp với Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức khai mạc Triển lãm chuyên đề “Tìm lại ký ức.”

Triển lãm giới thiệu đến khách tham quan 250 hình ảnh, tư liệu, hiện vật với bốn nội dung: “Đối mặt với B-52,” “Khách sạn Hilton-Hà Nội,” “Ngày trở về,” “Xây đắp tương lai.”

Qua đó, công chúng có dịp cảm nhận sâu sắc hơn sự khốc liệt của chiến tranh, về cuộc chiến đấu của quân và dân Hà Nội-Hải Phòng trong cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 của quân đội Mỹ năm 1972 cùng câu chuyện của những người trở về sau cuộc chiến ở cả hai bên chiến tuyến.

[Tìm lại 'Ký ức Xuân Mậu Thân 1968' tại đường sách ở TP. HCM]

Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò, cho biết năm 2017, trưng bày “Tìm lại ký ức” tổ chức tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò đã được bình chọn là một trong 10 sự kiện văn hóa tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội.

Trong dịp tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh lần này, Ban tổ chức tiếp tục gửi đến công chúng các hình ảnh, tư liệu, hiện vật lịch sử về một phần cuộc sống của người dân Hà Nội trong những ngày chiến tranh phá hoại của quân đội Mỹ năm 1972; hình ảnh các phi công Mỹ trong thời gian bị tạm giam tại “Hilton-Hà Nội); những nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh của hai dân tộc Việt Nam-Hoa Kỳ.

Phần trưng bày “Khách sạn Hilton-Hà Nội” đem đến cho những ai chưa từng trải qua chiến tranh biết thêm nhiều câu chuyện thời chiến chứa đựng đầy bất ngờ và giàu tính nhân văn. Đặc biệt, là những câu chuyện của những người làm công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ phi công Mỹ trong Trại giam Hỏa Lò được kể đan xen trong những câu chuyện về một số phi công Mỹ bị bắt, giam tại đây như Trung úy Hải quân Everett Alvarez Jr. phi công đầu tiên bị bắn rơi ở miền Bắc Việt Nam và có thời gian giam giữ lâu nhất tại “Hilton-Hà Nội;” Trung tá Hải quân Walter Eugeen Wilber, Hạ sỹ Robert P. Chenoweth... là những người có nhận thức đúng về cuộc chiến tranh mà họ tham gia.

Khách tham quan triển lãm. (Ảnh: Gia Thuận/TTXVN)

Tại chương trình khai mạc, bà Trần Xuân Thảo, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh chia sẻ chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh lâu dài và gây tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ khi quân đội Mỹ đã tiêu tốn hơn 14,3 triệu tấn bom đạn vào cuộc chiến, vượt xa so với số lượng bom đạn đã sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ 2 và Chiến tranh Triều Tiên.

Chỉ tính riêng trong 12 ngày đêm (từ ngày 18-30/12/1972) “Điện Biên Phủ trên không,” máy bay Mỹ đã dội xuống Hà Nội, Hải Phòng 100.000 tấn bom với sức công phá bằng năm quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản).

Mặc dù vậy, trận “Điện Biên Phủ trên không,” quân đội Mỹ vẫn chịu thất bại thảm hại, buộc Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom, chấp nhận nối lại bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Thực thi Hiệp định, Chính phủ Việt Nam và Mỹ đã tiến hành trao trả những người bị hai bên giam giữ. Trong đó, Hỏa Lò là một phần ký ức không thể nào quên của các phi công Mỹ trong thời gian bị giam giữ tại đây.

Cuộc chiến tranh kết thúc, Việt Nam đang dần vươn lên, khắc phục hậu quả chiến tranh và ngày càng phát triển về mọi mặt. Từ hậu quả nặng nề và sự đau thương mất mát trong chiến tranh, nhân dân Việt Nam luôn quý trọng hòa bình và mong muốn xây dựng tình đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới.

Bà Xuân Thảo chia sẻ thêm hơn 20 năm qua kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao hai nước, quan hệ Việt Nam-Mỹ đã và đang phát triển ngày càng tốt đẹp.

Nhiều cựu chiến binh Mỹ trở lại thăm Việt Nam để tìm về ký ức không thể phai mờ trong cuộc đời binh nghiệp của mình. Họ “trở về” với sự hối hận, với tinh thần hòa giải, hàn gắn vết thương chiến tranh và tham gia đóng góp vào các hoạt động nhân đạo ở Việt Nam.

Triển lãm dự kiến phục vụ công chúng và khách tham quan đến tháng 5/2019./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục