Trung Đông căng thẳng, giá vàng châu Á vượt ngưỡng 1.600 USD

Sau khi các nhà đầu tư tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn, giá vàng có lúc tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2013 trong phiên khi giao dịch ở mức 1.610,90 USD/ounce.
Trung Đông căng thẳng, giá vàng châu Á vượt ngưỡng 1.600 USD ảnh 1Vàng miếng được bày bán tại một cửa hàng ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giá vàng giao dịch tại châu Á bất ngờ tăng khoảng 2% trong ngày 8/1 và vượt ngưỡng 1.600 USD/ounce, khi các nhà đầu tư tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn sau vụ Iran phóng tên lửa vào các căn cứ quân sự Mỹ tại Iraq.

Cụ thể vào lúc 7 giờ 56 phút (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 1,9% lên 1.603,21 USD/ounce.

Giá vàng có lúc tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2013 trong phiên khi giao dịch ở mức 1.610,90 USD/ounce.

[Hình ảnh rocket được phóng từ Iran xuống căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq]

Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ tăng 2% lên 1.605,80 USD/ounce.

Giá vàng tăng mạnh do các nhà đầu tư xem vàng như nguồn tài sản an toàn hơn trong thời điểm bất ổn chính trị và kinh tế, sau khi Iran phóng tên lửa nhằm vào các căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq.

Vụ việc diễn ra vài giờ sau tang lễ của Tướng Qassem Suleimani, Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran - người đã bị thiệt mạng trong vụ không kích sân bay Baghdad (Iraq) cuối tuần trước.

Giá palladium giao ngay đã vọt lên mức cao nhất từ trước đến nay là 2.056,01 USD/ounce, song sau đó đã hạ xuống 2.040,57 USD/ounce.

Giá bạc tăng 1,2% lên 18,60 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng 0,3% lên 973,95 USD/ounce.

Còn tại thị trường Việt Nam, vào lúc 8 giờ 30 phút sáng 8/1, Tập đoàn vàng bạc Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 44,40-44,80 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).

Còn tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được doanh nghiệp này niêm yết ở mức 44,30-44,82 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.