Trong một nỗ lực mới nhất nhằm ngăn chặn dịch tả heo châu Phi (ASF) đang hoành hành tại Trung Quốc lây lan, ngày 10/11, giới chức Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đã nhất trí siết chặt kiểm soát biên giới giữa các nước.
Thỏa thuận trên đạt được tại cuộc họp giữa Bộ trưởng Nông nghiệp Hàn Quốc Lee Gae-ho và hai người đồng cấp Trung Quốc và Nhật Bản tại thủ đô Bắc Kinh vào sáng cùng ngày.
Thông cáo chung của cuộc họp nhấn mạnh, trong bối cảnh mối đe dọa từ dịch bệnh ở gia súc lây lan xuyên biên giới ngày càng tăng như ASF, ba nước cần tăng cường hợp tác kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Các bộ trưởng đã nhất trí tăng cường chia sẻ thông tin về tình hình gia súc, hoạt động giám sát, công bố thông tin và điều tra về dịch bệnh, phối hợp cùng nghiên cứu về các bệnh gia súc dễ lây lan xuyên biên giới như bệnh cúm gia cầm, bệnh tay chân miệng và ASF...
Các bộ trưởng cũng nhất trí tổ chức cuộc họp của giới chức ba nước ngành chăn nuôi nhằm chia sẻ chính sách và tình hình ngành chăn nuôi, trao đổi ý kiến về lĩnh vực này...
Trước đó, ngày 9/11, Trung Quốc xác nhận dịch bệnh ASF bùng phát mới tại tỉnh Phúc Kiến, miền Đông nước này.
[Thế giới vẫn cần cảnh giác với nguy cơ dịch tả ở quy mô toàn cầu]
Theo Bộ Nông nghiệp và các vấn đề nông thôn Trung Quốc, trong tổng số đàn lợn 4.521 con tại một trại chăn nuôi ở thành phố Phủ Điền của tỉnh Phúc Kiến, 85 con lợn được xác nhận là chết do nhiễm ASF.
Trung Quốc đã thông báo trường hợp nhiễm ASF đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Liêu Ninh, miền Đông Bắc nước này hồi đầu tháng Tám vừa qua.
Trong khi đó, thành phố Liên Vân Cảng, miền Đông Trung Quốc, cũng thông báo đã tiêu hủy 14.500 con lợn nhiễm virus này.
Theo Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), nguyên nhân khiến dịch bệnh ASF lây lan nhanh chóng tại Trung Quốc hiện nay là do vận chuyển các sản phẩm từ thịt lợn chứ không phải do vận chuyển lợn sống.
Theo thống kê, khoảng một nửa số lợn trên thế giới được nuôi tại Trung Quốc và nước này cũng là quốc gia tiêu thụ thịt lợn lớn nhất tính theo đầu người.
ASF không gây hại cho con người nhưng lại gây bệnh sốt xuất huyết ở lợn nuôi và lợn rừng, nguyên nhân khiến con vật chết trong vòng vài ngày.
Hiện chưa có thuốc điều trị hoặc vắcxin để phòng chống dịch bệnh này và chỉ có một biện pháp duy nhất được biết đến hiện nay nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan là tiêu hủy hàng loạt các cá thể bị nhiễm bệnh./.