Trung Quốc bắt đầu xây nhà máy thủy điện 17 tỷ USD ở Indonesia

Dự án bao gồm 5 con đập với tổng công suất phát điện lớn nhất Đông Nam Á là 9GW, dự kiến tiêu tốn 17 tỷ USD và hoàn tất vào năm 2035.
Trung Quốc bắt đầu xây nhà máy thủy điện 17 tỷ USD ở Indonesia ảnh 1PowerChina đã bắt đầu xây dựng nhà máy thủy điện 9GW trên đảo Borneo của Indonesia. (Nguồn: asia.nikkei.com)

Kayan Hydro Energy (KHE), chi nhánh của Tập đoàn Xây dựng Điện Trung Quốc (PowerChina), đã bắt đầu xây dựng nhà máy thủy điện 9GW trên đảo Borneo của Indonesia, phục vụ cho kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp xanh trong khu vực.

Hiện KHE đang xây dựng đường dẫn đến các địa điểm của dự án nhà máy thủy điện Kayan Cascade nằm dọc sông Kayan ở tỉnh Bắc Kalimantan.

Dự án bao gồm 5 con đập với tổng công suất phát điện lớn nhất Đông Nam Á là 9GW, dự kiến tiêu tốn 17 tỷ USD và hoàn tất vào năm 2035.

Với công suất 900MW, đập đầu tiên Kayan 1 dự kiến sẽ bắt đầu phát điện vào năm 2026. Đập cuối cùng Kayan 5 dự kiến hoàn tất vào năm 2035 với công suất lên tới 3,3 GW.

[Trung Quốc, Indonesia cam kết tăng cường hợp tác song phương]

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KHE Andrew Suryali cho biết công ty PowerChina Huadong sẽ đảm trách phần thiết kế, trong khi công ty SinoHydro sẽ đảm nhận phần kỹ thuật, mua sắm và xây dựng.

Cả 2 công ty này đều thuộc tập đoàn quốc doanh PowerChina của Trung Quốc, đồng thời tham gia xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Indonesia kết nối thủ đô Jakarta với thành phố Bandung, thủ phủ của tỉnh Tây Java.

Theo trang web dự án đầu tư và cơ sở hạ tầng thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), PowerChina bắt đầu nghiên cứu tiềm năng thủy điện của sông Kayan vào năm 2008 và nhận được giấy phép chính cho dự án vào năm 2011.

Tuy nhiên, dự án đã bị chậm trễ do địa hình khó khăn, cơ sở hạ tầng yếu kém cũng như các rào cản hành chính.

Dự án cuối cùng cũng được khởi động sau khi Indonesia nới lỏng các hạn chế chống dịch COVID-19 và sau cam kết đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060 được Jakarta công bố hồi năm ngoái, cũng như kế hoạch chuyển đổi Indonesia từ một nước xuất khẩu nguyên liệu thô sang quốc gia công nghiệp hóa.

Chính phủ Indonesia đặt nhiều hy vọng vào tỉnh Bắc Kalimantan, khu vực có tiềm năng thủy điện lên tới 23 GW và có thể giúp cung cấp năng lượng sạch cho một quốc gia vốn phụ thuộc lớn vào điện than.

Indonesia cũng đang triển khai xây dựng dự án thành phố thủ đô mới Nusantara với chi phí ước tính 466.000 tỷ rupiah (31 tỷ USD) ở tỉnh Đông Kalimantan kế bên.

Tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Joko Widodo đã động thổ Khu công nghiệp Kalimantan Indonesia (KIPI) - khu liên hợp công nghiệp xanh nằm ven biển. KIPI thuộc Adaro Energy, tập đoàn khai thác than hiện đang xây dựng một nhà máy luyện nhôm trị giá 728 triệu USD trong khu liên hợp này.

Với diện tích ban đầu 16.000 ha, KIPI có thể được mở rộng lên 30.000ha, gần bằng một nửa diện tích Jakarta.

Trong ngắn hạn, KHE chỉ có kế hoạch cung cấp điện cho một khu công nghiệp xanh khác nằm bên cạnh KIPI và do Indonesia Strategis Industri (ISI)  - công ty con của KHE - phát triển.

Theo ông Suryali, những bên sẵn sàng đầu tư vào khu vực này gồm các công ty sản xuất nhôm, amoniac, hydro, pin và thậm chí cả xe điện.

Tất cả đều là liên doanh giữa các công ty Trung Quốc và Indonesia, trong đó có Green Ammonia Indonesia, Alum Ina Indonesia, và Nickel Industri Indonesia.

Các công ty này dự kiến bắt đầu hoạt động vào thời điểm nhà máy thủy điện Kayan 1 bắt đầu cung cấp điện cho khu phức hợp.

ISI đã mua lại 2.500ha trong khu công nghiệp này và có kế hoạch mở rộng lên 4.700ha.

Một công ty khác là Kayan Hy Shui Nusantara - liên doanh giữa một doanh nghiệp có trụ sở ở Bắc Kalimantan và công ty Sarawak Energy của Malaysia - sẽ xây dựng một nhà máy thủy điện công suất 1,37GW để cung cấp điện cho KIPI.

Một nhà máy năng lượng Mặt Trời công suất 10GW dự kiến cũng sẽ được xây dựng ở KIPI./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.