Trung Quốc: Các doanh nghiệp ôtô nước ngoài nỗ lực khôi phục vị thế

Doanh số xe ôtô của các nhà sản xuất nội địa tại Trung Quốc liên tục vượt trên các đối thủ phương Tây, cho thấy ảnh hưởng ngày một lớn của các nhà chế tạo xe điện tại nước này.
Trung Quốc: Các doanh nghiệp ôtô nước ngoài nỗ lực khôi phục vị thế ảnh 1Ôtô chạy trên đường phố Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)

Với các hãng sản xuất ôtô nước ngoài tại Trung Quốc, hiện là lúc cần tăng cường nỗ lực để xoay chuyển tình hình, cắt lỗ, sau khi để mất vị trí chiếm lĩnh thị trường ôtô lớn nhất thế giới vào tay các thương hiệu khởi nghiệp của nước này.

Tuyên bố của một số hãng sản xuất ôtô lớn nhất thế giới trong những ngày gần đây cho thấy các hãng đang chọn con đường khác biệt.

Một số thương hiệu của Đức và General Motors (GM) đầu tư vào xe điện (EV), trong khi Toyota và các hãng khác cắt giảm chi phí.

Các thương hiệu ôtô nước ngoài đang dần đánh mất thị phần vào tay các đối thủ Trung Quốc, khi các nhà chế tạo xe nước này đi đầu về xe điện (EV).

Doanh số xe ôtô do các nhà sản xuất nội địa tại Trung Quốc liên tục vượt trên các đối thủ phương Tây, cho thấy ảnh hưởng ngày một lớn của các nhà chế tạo xe điện tại nước này. Đây cũng là một chiến thắng đối với chính sách công nghiệp của Bắc Kinh.

Số liệu Hiệp hội ôtô chở khách Trung Quốc (CPCA) công bố ngày 10/7 cho thấy các nhãn hiệu nội địa chiếm 54% thị phần xe hơi bán lẻ Trung Quốc trong sáu tháng đầu năm 2023, tăng so với mức thị phần 48% cùng kỳ năm ngoái.

Đây là lần thứ hai liên tiếp các thương hiệu xe Trung Quốc vượt trên các đối thủ nước ngoài tính theo chu kỳ 6 tháng. Doanh số bán lẻ này bao gồm cả lượng xe xuất khẩu.

Các hãng xe phương Tây vốn thống trị tại thị trường Trung Quốc đã được phép thành lập liên doanh với các đối tác đại lục nhiều thập kỷ trước đây. Một số thu lợi lớn khi Trung Quốc vượt Mỹ trở thành thị trường tiêu thụ ôtô lớn nhất thế giới.

Nhưng khi các thương hiệu bản địa củng cố xu hướng đánh bật đối thủ nước ngoài, thì kỷ nguyên thống trị của phương Tây trong ngành công nghiệp này đã kết thúc.

Cuộc cách mạng trong ngành xe hơi Trung Quốc được thúc đẩy bởi vai trò đi đầu trong lĩnh vực xe điện chạy năng lượng pin và xe điện lai có cắm điện (Plug-in Hybrid Electric Vehicle – PHEV), hai loại xe ôtô duy nhất ghi nhận mức nhu cầu tiêu thụ tăng liên tục.

Được dẫn dắt bởi công ty BYD, chín nhà sản xuất xe Trung Quốc nằm áp đảo danh sách 10 hãng xe điện có lượng xe bán chạy nhất nước này trong tháng 6 vừa qua. Tesla là thương hiệu nước ngoài duy nhất còn lại, theo số liệu của CPCA.

Doanh số tiêu thụ xe điện và xe PHEV tăng 44% trong nửa đầu năm 2023, lên mức 3,5 triệu chiếc, chiếm khoảng 1/3 tổng lượng xe bán ra vốn ghi nhận mức tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một số chuyên gia trong ngành dự báo trong vòng bốn năm tới xe điện sẽ áp đảo xe chạy bằng động cơ xăng tại thị trường Trung Quốc. Tại Mỹ, thị phần xe điện trong nửa đầu năm 2023 mới chỉ là 7%, sau khi doanh số xe điện bán ra tăng 50%, đạt 557.330 chiếc.

Việc theo đuổi điện hóa kể từ năm 2009 đã đưa Trung Quốc từ chỗ là nước phải chạy theo xu hướng trong ngành ô tô dần vươn lên thành người đi đầu về xe ô tô sử dụng nguồn năng lượng mới, trở thành mô hình mà nhiều hãng chế tạo ôtô toàn cầu ngày càng muốn học hỏi.

Và theo Stephen Dyer, chuyên gia tư vấn xe hơi tại AlixPartner có trụ sở ở Thượng Hải, họ bắt buộc phải học hỏi nếu như còn nuôi hy vọng cạnh tranh ở thị trường Trung Quốc.

Trong nhiều thập kỷ qua, những tên tuổi hàng đầu trong làng xe hơi thế giới, nổi bật là Volkswagen và General Motors đổ dồn nguồn lực đầu tư vào Trung Quốc, tìm kiếm tăng trưởng để bù đắp cho đà suy giảm ở châu Âu, Mỹ và các thị trường đã bão hòa.

Nhưng sau khi doanh số bán ô tô tại Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2017, thị trường đông dân nhất thế giới lại trở thành "cơn đau đầu" với chính những hãng ô tô ngoại, với lượng doanh số bán hàng vẫn còn dựa vào ô tô sử dụng động cơ đốt trong. Năm 2022, lượng xe hơi sử dụng động cơ đốt trong tại Trung Quốc đạt 8 triệu chiếc, thấp hơn mức đỉnh năm 2017.

Trong khi đó, tốc độ chuyển đổi của ngành ôtô Trung Quốc khiến các công ty phương Tây ngạc nhiên. Phát biểu tại triển lãm ôtô Thượng Hải hồi tháng Tư vừa qua, Shinji Aoyama - Giám đốc điều hành Honda cho biết: “Các hãng ôtô của Nhật Bản, Mỹ, châu Âu đều cảm nhận được rằng họ đã quá chậm chễ để đưa ra những bước đi đầu tiên. Chúng ta giờ đây ở vào giai đoạn phải nỗ lực hết mức để theo kịp.”

[Các hãng ôtô nước ngoài dự định ra mắt 53 mẫu xe EV tại Hàn Quốc]

Việc các công ty nước ngoài có khả năng làm chậm bước tiến của các đối thủ Trung Quốc đến đâu là điều còn chưa rõ. Ford từng cam kết hồi năm 2017 rằng đến năm 2025, tất cả xe con do liên doanh của hãng đặt tại Trung Quốc chế tạo đều là các phiên bản xe điện.

Trung Quốc: Các doanh nghiệp ôtô nước ngoài nỗ lực khôi phục vị thế ảnh 2Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nhưng sau khi doanh số xe điện Mustang Mach-E của hãng không nổi bật, Ford cho biết sẽ giảm đầu tư vào Trung Quốc. Honda, hãng đang chào mời năm mẫu xe điện tại Trung Quốc, cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng tổ hợp xe điện ở Trung Quốc, rút ngắn thời gian xây dựng 5 năm, hướng đến mục tiêu chỉ bán xe điện tại thị trường này vào năm 2035.

Sự trỗi dậy của các tên tuổi xe điện Trung Quốc cũng là một chiến thắng nữa đối với các chính sách công nghiệp của Bắc Kinh, tiếp sau thành công về đường sắt cao tốc, tấm pin năng lượng Mặt Trời và ngành công nghiệp pin.

Để xây dựng thị trường xe điện, Trung Quốc cấp vốn và trợ cấp doanh số cho các nhà sản xuất nội địa, thúc đẩy ngành công nghiệp ôtô gắn với các mục tiêu sản xuất và tiêu chuẩn phát thải chặt chẽ hơn.

Trong nhiều năm liền, chính quyền áp dụng chính sách chỉ có xe điện sử dụng pin được sản xuất tại Trung Quốc mới đủ điều kiện để nhận trợ cấp, trong bối cảnh chính phủ muốn kiểm soát nhiều hơn về chuỗi cung.

Việc giai đoạn đầu tập trung vào điện hóa vận tải công cộng và các đoàn xe phục vụ công quyền là bảo đảm vững chắc cho doanh số bán hàng của các hãng xe điện, đồng thời cải thiện dữ liệu, kinh nghiệm sản xuất. Cùng lúc, Trung Quốc cho phát triển mạng lưới trạm sạc trên cả nước.

Theo số liệu của Volkswagen, 45% lượng xe bán ra ở Thượng Hải trong 5 tháng đầu năm nay là xe điện hoặc xe PHEV. Ở các thành phố kém phát triển hơn, tốc độ chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe điện chậm hơn.

BYD đã dừng chế tạo xe chạy động cơ xăng từ tháng 3 năm ngoái. Hãng này bán được 1,2 triệu xe điện và xe PHEV tại thị trường Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Hơn một nửa trong số này là xe PHEV.

Tesla, hãng sản xuất xe EV có nhà máy lớn nhất đặt tại Trung Quốc. là thương hiệu nước ngoài duy nhất chiếm được thị phần trong nửa đầu năm, vượt BMW về độ thịnh hành.

Với sức ép gia tăng đối với biên lợi nhuận tại Trung Quốc do cuộc chiến giá cả khốc liệt trong năm nay, một số hãng đang cắt giảm sản lượng và sa thải lao động, trong đó có Toyota và Mitsubishi.

Tuy nhiên, các thương hiệu trước đây có doanh số bán tại Trung Quốc chiếm 1/3 tổng doanh số trước khi bị mất chỗ đứng trong năm nay hiện không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải tăng cường nỗ lực. Các thương hiệu nói trên bao gồm Volkswagen và GM.

Volkswagen tuần trước đã công bố hai thỏa thuận nhằm tăng cường vị thế tại Trung Quốc về việc hợp tác với Xpeng của Trung Quốc để phát triển hai mẫu xe mới từ phần mềm của Xpeng và hợp tác phát triển các mẫu Audi với đối tác Trung Quốc là SAIC.

Nhà phân tích Tu Le của hãng nghiên cứu Sino Auto Insights cho rằng Volkswagen và GM, hai hãng từng dẫn đầu thị trường, đều tin rằng có thể giữ được vị thế và bảo vệ thị phần hiện có./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.