Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Trung Quốc đã quyết định tạm thời cấm công ty Australia Lamb và JBS Brooklyn, hai công ty chế biến thịt cừu lớn nhất của Australia, xuất sản phẩm sang thị trường Trung Quốc do lo ngại dịch COVID-19.
Dịch COVID-19 bùng phát mạnh trong vài tháng qua tại bang Victoria, nơi đặt nhà máy chế biến của cả hai công ty trên, khiến các công ty này phải đóng cửa và tạm ngừng các giao dịch kể cả tại thị trường trong và ngoài nước.
Đến nay, dù đã mở cửa trở lại, nhưng Australia Lamb và JBS Brooklyn vừa nhận được thông báo cấm nhập khẩu của Trung Quốc.
[Trung Quốc tiếp tục phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bao bì nhập khẩu]
Trước đó, ngày 7/12, Trung Quốc cũng đưa ra một lệnh cấm tương tự đối với công ty chế biến thịt bò Meramist của Australia, nâng tổng số công ty của Australia bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc lên 6 công ty.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thịt cừu lớn nhất của Australia tính theo khối lượng kể từ năm 2012.
Đến năm 2019, nước này đã chính thức vượt qua Mỹ để trở thành thị trường có giá trị xuất khẩu lớn nhất của ngành công nghiệp thịt cừu Australia.
Giai đoạn năm 2019-2020, xuất khẩu cừu và các chế phẩm thịt cừu của Australia sang Trung Quốc đạt giá trị gần 780 triệu AUD (khoảng 546 triệu USD).
Ngoài thịt bò và thịt cừu, một số nông sản khác của Australia đã lần lượt bị Trung Quốc “làm khó,” như tăng hơn 80% thuế nhập khẩu lúa mạch, 202% thuế đánh vào rượu vang, thay đổi các điều kiện nhập khẩu đối với tôm hùm và đe dọa xem xét các lệnh cấm khác dành cho sữa, mật ong…
Cuối tháng 11/2020, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết chính phủ của ông đang xem xét việc đệ đơn khiếu kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để phản đối mức thuế mà Trung Quốc áp đặt đối với lúa mạch./.