Trung Quốc cho Brazil thuê giàn khoan với giá hơn 1 tỷ USD

Trung Quốc đã ký kết hợp đồng với Brazil dự án cho thuê hai giàn khoan nước sâu trị giá 1,08 tỷ USD với tổng thời gian 12 năm.
Trung Quốc cho Brazil thuê giàn khoan với giá hơn 1 tỷ USD ảnh 1Gián khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc từng hạ đặt trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam

Theo Tân Hoa Xã, tại Hội nghị năm 2014 của Ủy ban nhà doanh nghiệp Trung Quốc – Brazil diễn ra mới đây ở thủ đô Brasilia của Brazil, Công ty trách nhiệm hữu hạn cho thuê tài chính Ngân hàng Công thương Trung Quốc đã ký kết hợp đồng dự án cho thuê 2 giàn khoan nước sâu trị giá 1,08 tỷ USD với một đối tác Brazil.

Hai giàn khoan trên do Nhà máy đóng tàu Lai Phúc Sĩ Yên Đài, thuộc tập đoàn Trung Tập của Trung Quốc chế tạo và sẽ được giao cho Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Brazil sử dụng.

Theo người phụ trách của Tập đoàn Trung Tập, thời gian thuê giàn khoan thứ nhất là 8 năm. Giàn khoan này dài 105 m, rộng 73,1 m, có độ sâu khoan vuông góc lớn nhất là 7.500 m, có sức chứa 148 người, hệ thống hoạt động, hiệu quả sản xuất và độ an toàn đứng đầu thế giới. Giàn khoan còn lại có thời hạn thuê là 4 năm.

Việc ký kết dự án hợp tác lần này giữa Công ty trách nhiệm hữu hạn cho thuê tài chính Ngân hàng Công Thương Trung Quốc với đối tác Brazil đánh dấu lĩnh vực hợp tác tài chính về năng lượng và các công trình trên biển giữa hai nước đã bước vào giai đoạn mới.

Đây cũng là lần đầu tiên Công ty cho thuê tài chính của Trung Quốc bước vào thị trường trang thiết bị công trình hải dương Brazil. Dự án này nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Brazil trong lĩnh vực tài chính và thương mại.

Công ty trách nhiệm hữu hạn cho thuê tài chính Ngân hàng Công Thương Trung Quốc thành lập năm 2007, là doanh nghiệp có 100% vốn của Ngân hàng Công Thương Trung Quốc, một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới. Trong khi đó, Lai Phúc Sĩ Yên Đài là một trong những doanh nghiệp tham gia sớm nhất vào lĩnh vực thiết kế, chế tạo thiết bị công trình hải dương cao cấp ở Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.