Trung Quốc công bố khái niệm Tư tưởng Tập Cận Bình về kinh tế XHCN

Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương của Trung Quốc lần đầu tiên đưa ra khái niệm “Tư tưởng của Tập Cận Bình về nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới.”
Trung Quốc công bố khái niệm Tư tưởng Tập Cận Bình về kinh tế XHCN ảnh 1Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: THX)

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương của Trung Quốc, được tổ chức từ ngày 18-20/12/2017, lần đầu tiên đưa ra khái niệm “Tư tưởng của Tập Cận Bình về nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới.” 

Theo tuyên bố được đưa ra sau khi kết thúc hội nghị, “Tư tưởng của Tập Cận Bình về nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” là sự “kết tinh lý luận” của 5 năm thực tiễn thúc đẩy phát triển kinh tế Trung Quốc, và là “thành quả mới nhất” của khoa học kinh tế chính trị xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc.


[Trung Quốc đưa tư tưởng quân sự của ông Tập Cận Bình vào điều lệ Đảng]

Nội dung cơ bản của khái niệm mới bao gồm “Bảy kiên trì” là: kiên trì tăng cường sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với công tác kinh tế, đảm bảo nền kinh tế Trung Quốc phát triển theo phương hướng đúng đắn; kiên trì tư tưởng phát triển lấy nhân dân làm trung tâm, trù tính một cách thống nhất giữa thúc đẩy bố cục tổng thể “ngũ vị nhất thể” và thúc đẩy hài hòa bố trí chiến lược “Bốn toàn diện”;

Kiên trì thích ứng, nắm chắc và dẫn dắt trạng thái mới trong phát triển kinh tế, dựa trên đại cục, nắm vững quy luật; kiên trì thúc đẩy thị trường phát huy vai trò mang tính quyết định trong phân phối các nguồn lực, phát huy tốt hơn nữa vai trò của chính phủ, kiên quyết loại bỏ những trở ngại về cơ chế thể chế đối với phát triển kinh tế; kiên trì thích ứng với sự thay đổi của những mâu thuẫn chủ yếu trong phát triển kinh tế của Trung Quốc để hoàn thiện điều tiết vĩ mô, tùy cơ ứng biến, đưa ra biện pháp thích hợp, lấy cải cách cơ cấu nguồn cung làm đường lối chính trong công tác kinh tế;

Kiên trì chiến lược mới về phát triển kinh tế trong đó nhằm thẳng thẳng vào những vấn đề cụ thể nhằm tạo ra ảnh hưởng sâu xa đối với những thay đổi trong phát triển kinh tế xã hội của Trung Quốc; kiên trì sách lược và phương pháp công tác đúng đắn, đạt được tiến triển trong khi vẫn giữ vững sự ổn định, duy trì trọng tâm chiến lược, kiên trì giới hạn đỏ, tiếp tục vững bước tiến lên phía trước.

Tại hội nghị năm nay, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc cũng đã xem xét những diễn biến của nền kinh tế trong 5 năm qua và đưa ra các kế hoạch cho năm 2018.

“Phát triển chất lượng cao” cũng là một trong những nội dung quan trọng nhất tại hội nghị năm nay. Theo đó, nền kinh tế Trung Quốc đã chuyển từ giai đoạn phát triển nhanh sang giai đoạn phát triển chất lượng cao, trong đó chú trọng tới chất lượng hơn là tốc độ, thay đổi mục tiêu từ số lượng sang chất lượng trong khu vực chế tạo, chuyển từ “Made in China” (sản xuất tại Trung Quốc) sang “Created in China” (sáng tạo tại Trung Quốc).

Hội nghị khẳng định “phát triển chất lượng cao” là yêu cầu cơ bản đối với việc xác định con đường phát triển, hoạch định các chính sách kinh tế và thực hiện điều tiết vĩ mô trong giai đoạn hiện nay cũng như trong tương lai.

Bên cạnh đó, tại hội nghị năm nay, Trung Quốc còn đưa ra một số chính sách kinh tế đáng chú ý khác như đẩy mạnh hơn nữa cải cách cơ cấu nguồn cung, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng và trung hòa, mở rộng hoạt động nhập khẩu thông qua các chính sách cắt giảm thuế để hướng tới một nền thương mại cân bằng, thúc đẩy mở cửa hơn nữa nền kinh tế theo cam kết đã được đề ra tại Đại hội Toàn quốc lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trấn áp mạnh tay đối với những hành vi vi phạm nguyên tắc và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính để đẩy lùi các nguy cơ, nỗ lực hỗ trợ thoát nghèo và kiểm soát ô nhiễm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.