Trung Quốc để ngỏ khả năng đạt thỏa thuận thương mại một phần với Mỹ

Trung Quốc vẫn để ngỏ khả năng đạt được thỏa thuận thương mại một phần với Mỹ, bất chấp việc Washington mới đây liệt các công ty công nghệ của Trung Quốc vào "danh sách đen" trừng phạt.
Trung Quốc để ngỏ khả năng đạt thỏa thuận thương mại một phần với Mỹ ảnh 1Trụ sở Công ty Công nghệ kỹ thuật số Hàng Châu Hikvision ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), một trong các công ty bị Mỹ liệt vào danh sách trừng phạt thương mại. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tờ Financial Times (Anh) ngày 9/10 đưa tin giới chức Trung Quốc đang đề xuất tăng lượng nhập khẩu nông sản của Mỹ hằng năm thêm 10 tỷ USD trong bối cảnh hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang tìm kiếm giải pháp cho căng thẳng thương mại kéo dài hơn một năm qua.

Báo trên dẫn một số nguồn tin giấu tên cho biết Phó Thủ tướng Lưu Hạc, trưởng đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc, sẽ tới Washington tham gia vòng đàm phán diễn ra trong hai ngày 10-11/10 tới.

Cùng ngày, hãng tin Bloomberg dẫn một nguồn thạo tin cho biết Trung Quốc vẫn để ngỏ khả năng đạt được thỏa thuận thương mại một phần với Mỹ, bất chấp việc Washington mới đây liệt các công ty công nghệ của Trung Quốc vào "danh sách đen" trừng phạt.

[Trung Quốc đề nghị Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt các công ty công nghệ]

Ngày 7/10, Mỹ đã bổ sung tám công ty công nghệ của Trung Quốc vào danh sách trừng phạt thương mại nhằm hạn chế việc bán công nghệ Mỹ cho các thực thể này. Đáng chú ý trong số này có một số công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) chuyên về các sản phẩm nhận diện bằng khuôn mặt, Công ty Công nghệ kỹ thuật số Hàng Châu Hikvision, Tập đoàn SenseTime, công ty công nghệ Megvii,...

Quyết định bổ sung danh sách trừng phạt của Mỹ không chỉ tác động tới các công ty có tên trong danh sách trừng phạt mà còn ảnh hưởng tới các nhà cung cấp, khách hàng và các bên cho vay tài chính của những công ty này.

Ngay lập tức, Bộ Thương mại Trung Quốc đề nghị Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các công ty công nghệ của nước này, đồng thời tuyên bố sẽ "kiên quyết bảo vệ" các lợi ích của Bắc Kinh.

Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung liên tục leo thang kể từ tháng 7/2018, khi hai nước liên tiếp bổ sung các mức áp thuế với hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD của nhau.

Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chấp thuận yêu cầu của Bắc Kinh hoãn kế hoạch tăng thuế đối với hàng Trung Quốc nhập khẩu trị giá 250 tỷ USD cho đến ngày 15/10.

Đáp lại, Ủy ban Thuế vụ Quốc vụ viện Trung Quốc cũng thông báo sẽ hủy bỏ việc áp thuế bổ sung đối với hai mặt hàng đậu tương và thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ trước thềm các cuộc đàm phán thương mại dự kiến trong các ngày 10-11/10 tới.

Giới phân tích cho rằng việc chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại là một bước đi khẩn cấp và quan trọng đối với việc khôi phục thương mại như một động lực tăng trưởng, và tùy thuộc vào cách cuộc chiến đó kết thúc, nó có thể là kết quả có lợi cho cả Mỹ và Trung Quốc cũng như cho nền kinh tế toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.