Trung Quốc đình chỉ cơ chế đối thoại kinh tế với Australia

Gần đây, một số quan chức Chính phủ Khối thịnh vượng chung Australia đã đưa ra một loạt các biện pháp nhằm phá vỡ các hoạt động trao đổi và hợp tác bình thường giữa Trung Quốc và Australia.
Trung Quốc đình chỉ cơ chế đối thoại kinh tế với Australia ảnh 1Mối quan hệ song phương trở nên căng thẳng vào năm 2018, khi Australia công khai cấm Huawei tham gia phát triển mạng 5G của nước này. (Nguồn: vtc.vn)

Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) ngày 6/5 thông báo sẽ đình chỉ "vô thời hạn" tất cả các hoạt động trong khuôn khổ Đối thoại Kinh tế Chiến lược Trung Quốc - Australia, một bước lùi mới trong mối quan hệ căng thẳng giữa hai quốc gia.

Thông báo của NDR nói: “Trong thời gian gần đây, một số quan chức Chính phủ Khối thịnh vượng chung Australia đã đưa ra một loạt các biện pháp nhằm phá vỡ các hoạt động trao đổi và hợp tác bình thường giữa Trung Quốc và Australia vì tư duy từ thời Chiến tranh Lạnh và ý thức hệ kỳ thị".

Tuy nhiên, Ủy ban không nêu rõ trong tuyên bố những biện pháp cụ thể nào đã thúc đẩy hành động này.

[Australia thúc đẩy giải quyết tranh chấp thương mại với Trung Quốc]

Ngay sau khi thông tin trên được đưa ra, đồng AUD đã giảm mạnh và xuống mức thấp nhất là 1 AUD đổi 0,7701 USD từ mức 0,7747 USD/AUD của hôm 5/5.

Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan chưa đưa ra bình luận nào về quyết định của phía Trung Quốc.

Cuộc họp cuối cùng theo cơ chế này được tổ chức tại Bắc Kinh vào năm 2017, khi Bộ trưởng Thương mại Australia ký thỏa thuận hợp tác về các dự án thuộc Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) ở các nước bên thứ ba. Song Australia đã từ chối ký các thỏa thuận về việc tham gia trực tiếp vào sáng kiến trên của Trung Quốc.

Mối quan hệ song phương đã trở nên căng thẳng vào năm 2018, khi Australia trở thành quốc gia đầu tiên công khai cấm “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia phát triển mạng 5G của nước này.

Tình hình càng trở nên tồi tệ sau khi Trung Quốc tiến hành áp đặt một loạt lệnh trừng phạt thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Australia, từ rượu vang đến than đá.

Vào tháng Tư năm nay, Canberra đã hủy hai thỏa thuận thuộc BRI do bang Victoria của nước này thực hiện, khiến Đại sứ quán Trung Quốc cảnh báo rằng quan hệ song phương vốn đã căng thẳng có thể sẽ xấu đi.

Sang tuần này, một số nguồn thạo tin cho biết Australia đang xem xét hợp đồng cho thuê cảng Darwin ở miền Bắc nước này kéo dài 99 năm cho một công ty Trung Quốc.

Trong 12 tháng tính đến tháng 3/2021, Australia đã xuất khẩu lượng hàng hóa (không bao gồm dịch vụ) có tổng trị giá 149 tỷ AUD (115,04 tỷ USD) sang Trung Quốc, trong đó quặng sắt là sản phẩm chủ lực của nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.