Trung Quốc đứng thứ 3 trong số các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc đã vượt mốc 100 tỷ USD trong năm 2018; đến cuối năm 2018, Trung Quốc có 2.149 dự án đầu tư tại Việt Nam với số vốn đăng ký 13,4 tỷ USD.

Ngày 1/8, tại Hội nghị giao thương trong khuôn khổ Triển lãm thương mại quốc tế Chiết Giang 2019 tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lý Kiến Lương, Lãnh sự Thương mại, Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết trong 7 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc đã phê chuẩn đầu tư và mua bán sáp nhập (M&A) với số tiền 2,45 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay.

Theo ông Lý Kiến Lương, mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc đang có bước phát triển trên nhiều lĩnh vực.

Cụ thể, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã vượt mốc 100 tỷ USD trong năm 2018 và đến cuối năm 2018, Trung Quốc có 2.149 dự án đầu tư tại Việt Nam, với số vốn đăng ký 13,4 tỷ USD.

[Việt Nam - vùng đất lành cho các tập đoàn lớn đến đầu tư]

Việt Nam là thị trường có lượng người tiêu dùng lớn, với mức thu nhập bình quân ước đạt 2.587 USD/người năm 2018. Cùng với đó, sức mua đạt tương đương 7.000 USD/người/năm và không ngừng gia tăng trong thời gian tới.

Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, cho biết Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới và trở thành một trong những thị trường hấp dẫn của ASEAN.

Đặc biệt, với 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA); trong đó, có các Hiệp định thương mại thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)... sẽ mở ra cánh cửa của hơn 50 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Có thể thấy, lợi thế cầu nối của Việt Nam trong quan hệ giữa ASEAN với Trung Quốc đóng vai trò quan trọng.

Từ năm 2016, Việt Nam đã vượt qua Malaysia trở thành đối tác số một của Trung Quốc trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Trung Quốc; đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 9 của Trung Quốc trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.