Trang mạng Bloomberg.com đưa tin giới lãnh đạo Trung Quốc lập luận rằng người dân của họ có thể chống chọi tốt hơn người Mỹ trong cuộc chiến thương mại bởi họ cam chịu gian khổ tốt hơn.
Tuy nhiên, trong lúc sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc trở nên nghiêm trọng hơn, cảm giác về tình trạng bất ổn đang ngày một gia tăng.
Người dân Trung Quốc bắt đầu đặt câu hỏi rằng liệu các sắc lệnh của chính phủ có thể giải quyết tình hình hiện tại hay không.
Một dấu hiệu nhỏ về sự bất mãn đó đã bùng phát tuần trước. Chính phủ Trung Quốc - với quyết tâm thúc đẩy vị thế ngành khoa học nước này - đưa ra “lời kêu gọi sáo rỗng” để thúc đẩy tư cách đạo đức của cộng đồng khoa học Trung Quốc.
[Tăng trưởng sản lượng công nghiệp Trung Quốc ở mức thấp nhất 17 năm]
Các nhà báo có con mắt sắc sảo sớm nhận ra rằng lời kêu gọi đó chứa đựng một điều gây tranh cãi hơn: một điều khoản ngăn cấm các khu vực phát triển thịnh vượng sử dụng các khoản đền bù và cạnh tranh về tiền lương để tuyển dụng nhân tài, đặc biệt từ vùng Vành đai công nghiệp (Rust Belt) của Trung Quốc.
Chỉ trong vài giờ sau khi được công bố, điều khoản này đã nằm trong danh sách 10 nội dung được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.
Các bình luận đều tỏ ra rất tức giận. Những người sử dụng mạng xã hội gọi chính sách này là “trò hề,” một bằng chứng cho thấy chính phủ không hề quan tâm đến nền kinh tế thị trường, là sự khuyến khích những người tài trẻ tuổi Trung Quốc né tránh việc làm tại vùng Vành đai công nghiệp bởi lo sợ rằng họ bị mắc kẹt tại đó bởi các nhà hoạch định chính sách lầm lạc của Bắc Kinh.
Rất dễ để lý giải điều này. Câu chuyện về vùng Vành đai công nghiệp của Trung Quốc giống như câu chuyện lụi tàn của các thành phố công nghiệp ở thế giới phát triển.
Ở giai đoạn giữa thế kỷ 20, một loạt tỉnh phía Đông Bắc Trung Quốc đã phát triển nở rộ nhờ vào ngành công nghiệp nặng do nhà nước hậu thuẫn, như than và thép.
Tuy nhiên, đến giữa thập niên 1990, vùng duyên hải phía Đông với nền kinh tế phát triển đã thu hút hàng trăm triệu công nhân lành nghề và không có chuyên môn với tiền lương cao hơn và các cơ hội tốt hơn.
Trong khi đó, toàn cầu hóa, tự động hóa và sự trỗi dậy của các nền kinh tế tri thức đã tạo ra lỗ hổng trong khu vực này.
Số liệu kinh tế tại khu vực này rất ảm đạm. Từ năm 1980-2016, đóng góp của 3 tỉnh Đông Bắc Trung Quốc cho GDP cả nước sụt giảm từ 13% xuống 7%.
Năm 2017, tỉnh Liêu Ninh chứng kiến đợt suy thoái đầu tiên của Trung Quốc kể từ năm 2009 với nền kinh tế sụt giảm 2,5%.
Trong lúc tăng trưởng giảm tốc, dân số khu vực này cũng thu hẹp, một phần do tỷ lệ sinh sụt giảm và một phần do tỷ lệ di cư gia tăng.
Số lượng thanh niên trẻ và có học vấn cao rời khỏi khu vực đạt mức đỉnh điểm. 1/3 người tốt nghiệp đại học trong khu vực đã tìm kiếm việc làm ở những nơi khác và các công nhân lành nghề cũng gia nhập lực lượng này.
Từ năm 2015-2017, 67.500 công nhân như vậy đã rời Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang. Sự di cư đó cũng làm già hóa dân số. Độ tuổi trung bình ở 3 tỉnh Đông Bắc Trung Quốc vào năm 2015 là 42, trong khi phần còn lại của Trung Quốc là 37.
Chính phủ đã thử nghiệm nhiều chính sách khác nhau để đảo ngược xu hướng này, bao gồm việc đổ tiền vào doanh nghiệp nhà nước hoạt động yếu kém - điều gây ra nhiều vấn đề của khu vực.
Nhà nước cũng đổ tiền đầu tư vào các trường đại học và cơ sở giáo dục để nâng cao chất lượng lao động và tạo nguồn lực cho đổi mới.
Vấn đề ở đây là các tỉnh giàu hơn cũng đổ tiền vào việc xây dựng các trường đại học tầm cỡ thế giới và trông chờ các tỉnh nghèo hơn cung cấp nhân lực. Điều này dẫn tới việc các học giả và nhà nghiên cứu hàng đầu Trung Quốc đặt hy vọng vào cơ hội việc làm mới.
Sắc lệnh mới nhất này của chính phủ là nỗ lực để giữ chân các nhà nghiên cứu tại quê nhà. Đối với những người học vấn cao ở Trung Quốc, vốn quen với sự di chuyển vì mục đích kinh tế, hơn cả sự “bất tiện,” đó là dấu hiệu của sự tuyệt vọng.
Kinh nghiệm của các khu vực công nghiệp ở những nơi khác cho thấy cách tốt nhất để vực dậy các thành phố “đang chết yểu” đó là không phải dựa vào những người lao động lành nghề nhất, mà là tìm cách để tạo công ăn việc làm cho các công nhân bán lành nghề.
Thay vì tập trung vào các nhà khoa học, chính phủ Trung Quốc sẽ hưởng lợi hơn khi đầu tư vào các chương trình đào tạo nghề và thúc đẩy hợp tác công-tư để tuyển dụng những người có bằng cấp.
Cùng lúc đó, dân số già hóa ở vùng Vành đai công nghiệp tạo ra cơ hội để phát triển các mô hình chăm sóc người già của Trung Quốc, điều sẽ rất cần thiết trong những năm tới khi dân số chung của quốc gia này đang già đi.
Với suy nghĩ sáng tạo, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đưa ra lý do để những “anh tài” trong khu vực này ở lại, thay vì ngăn cấm họ ra đi./.