Trung Quốc ngày 28/1 kêu gọi công dân nước mình hoãn các chuyến ra nước ngoài, trong bối cảnh nước này đang tăng cường các nỗ lực kiềm chế sự lây lan của virus corona chủng mới gây bệnh viêm phổi đã làm ít nhất 106 người tử vong.
Cục Di cư quốc gia Trung Quốc ra tuyên bố cho biết khuyến cáo đi lại được đưa ra "nhằm bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người Trung Quốc và người nước ngoài."
Trước đó, trong một nỗ lực kiềm chế sự lây lan của virus, Chính phủ Trung Quốc đã đóng cửa thành phố Vũ Hán, tâm điểm của dịch, và nhiều thành phố khác ở tỉnh Hồ Bắc (miền Trung), khiến hơn 50 triệu người bị ảnh hưởng, trong đó có hàng nghìn người nước ngoài.
Nhằm tránh việc nhiều người tiếp xúc gần với nhau, Trung Quốc cũng đã áp đặt hạn chế đi lại ở nhiều nơi trên cả nước.
Mới đây nhất, Tập đoàn Đường sắt quốc gia Trung Quốc thông báo sẽ ngừng hoạt động của hàng trăm tuyến đường sắt trên khắp đất nước. Ngoài ra, chính quyền Trung Quốc cũng đã kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sang tuần tới để mọi người được ở nhà. Các trường học cũng lùi thời gian bắt đầu học kỳ hai, song chưa thông báo thời điểm nối lại.
Trong khi đó, Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước khác vẫn đang gấp rút xúc tiến đưa công dân của mình ra khỏi thành phố Vũ Hán. Mỹ đang lập một phái bộ cứu hộ. Một chuyến bay thuê với số ghế hạn chế dự định sẽ rời Vũ Hán trong ngày 28/1 đi bang California cùng với các nhân viên lãnh sự và một số công dân Mỹ.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã hoãn chuyến bay sang ngày 29/1. Trong khi đó, Pháp cũng có ý định đưa công dân của mình ra khỏi Vũ Hán vào giữa tuần này. Đức cũng đang lên kế hoạch tương tự. Nhật Bản đã thuê một máy bay để chở công dân nước này ở Vũ Hán về nước. Một quan chức Nhật Bản cho biết chiếc máy bay này có thể xuất phát từ Tokyo vào tối 28/1.
[Thêm nhiều quốc gia khuyến cáo công dân hạn chế tới Trung Quốc]
Bất chấp nhiều nỗ lực ngăn chặn sự lây lan, virus corona chủng mới (2019-nCoV) dường như vẫn hoành hành khá mạnh. Hiện bệnh viêm phổi do virus corona chủng mới gây ra đã lan rộng ra một chục quốc gia láng giềng của Trung Quốc, và sang cả các nước ở châu lục khác như Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Australia, Singapore, Hàn Quốc...
Theo số liệu cập nhật chính thức từ Ủy ban Y tế Quốc gia của Trung Quốc, hiện có 4.515 ca nhiễm, trong đó 106 ca tử vong. Ngoài ra, còn gần 7.000 ca nghi đã bị lây nhiễm. Cho đến nay, số người khỏi bệnh và rời viện là 60 người. Tuy nhiên, có tới 515 người vẫn đang trong tình trạng ốm nặng trong bệnh viện.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 27/1 đã thừa nhận mắc sai sót trong đánh giá rủi ro về loại virus gây chết người này. Trong báo cáo trên, WHO cho biết: "Tình hình lây nhiễm virus 2019-nCoV rất cao ở Trung Quốc, cao ở cấp khu vực, và cao ở cấp toàn cầu."
WHO thừa nhận việc đánh giá mức độ rủi ro "vừa phải" trên phạm vi toàn cầu trong báo cáo trước đó là "sai sót." Việc điều chỉnh đánh giá rủi ro toàn cầu của WHO không đồng nghĩa với việc tổ chức này ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu, cũng như không đưa ra khuyến cáo nào về hạn chế đi lại hay buôn bán.
Cũng theo WHO, tình hình lây nhiễm virus 2019-nCoV ở Trung Quốc là khẩn cấp, nhưng nó chưa trở thành tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu.
Dự kiến Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus sẽ đến Bắc Kinh trong tuần này để thảo luận với giới chức Trung Quốc phối hợp đối phó với khủng hoảng./.