Trung Quốc kêu gọi EU cùng chống chủ nghĩa bảo hộ thương mại

Trung Quốc kêu gọi EU cùng chung lập trường phản đối chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Washington-Bắc Kinh đã trở nên trầm trọng và đe dọa kéo cả châu Âu vào mớ bòng bong.
Trung Quốc kêu gọi EU cùng chống chủ nghĩa bảo hộ thương mại ảnh 1 Sản xuất thép tại một nhà máy ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 6/4, Trung Quốc đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cùng chung lập trường phản đối chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Washington-Bắc Kinh đã trở nên trầm trọng và đe dọa kéo theo cả châu Âu vào mớ bòng bong.

Người đứng đầu Phái bộ Trung Quốc tại EU, ông Trương Minh nhấn mạnh: "Trung Quốc và EU cần đưa ra quan điểm rõ ràng chống lại chủ nghĩa bảo hộ, cùng nhau bảo vệ trật tự thương mại đa phương dựa trên các quy tắc và giữ cho nền kinh tế toàn cầu đi trên con đường ổn định."

Theo ông, đây là trách nhiệm chung của cả Bắc Kinh và Brussels, hai bên cần cùng nhau hành động để chống lại cái gọi là "các động thái ủng hộ bảo hộ trong nước" của Mỹ.

[Trung Quốc tuyên bố chống lại chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ bằng mọi giá]

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang với các hành động được xem là "ăn miếng trả miếng" liên tiếp giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 5/4 tuyên bố sẽ yêu cầu Bộ Thương mại nước này xem xét tiếp tục tăng thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Cụ thể, thay vì chỉ đánh thuế vào lượng hàng hóa có giá trị nhập khẩu 50 tỷ USD, Tổng thống Trump gợi ý tăng gấp đôi con số này lên 100 tỷ USD.

Chỉ thị mới nhất này của ông chủ Nhà Trắng được đưa ra sau khi Trung Quốc công bố các biện pháp đáp trả tương tự. Theo Tổng thống Trump, Bắc Kinh "thay vì sửa chữa cách hành xử sai của mình lại lựa chọn gây tổn hại cho các nông dân và nhà sản xuất của Mỹ."

Trên thực tế, Mỹ và Trung Quốc sẽ có cơ hội đầu tiên giải quyết những bất đồng sâu sắc về thương mại song phương bên lề Hội nghị Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra tại Washington từ ngày 20-22/4 tới.

Tuy nhiên, cho đến nay cả hai nước đều chưa có kế hoạch cho bất cứ cuộc gặp nào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.