Trung Quốc và Mỹ cần giải quyết thỏa đáng các vấn đề, trong đó có thương mại, theo thỏa thuận đã được lãnh đạo hai nước nhất trí, là tuyên bố được Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đưa ra ngày 10/11 trong cuộc gặp với cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tại thủ đô Bắc Kinh.
Tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc giải quyết thỏa đáng các vấn đề, trong đó có kinh tế và thương mại, theo thỏa thuận đạt được giữa các nhà lãnh đạo Mỹ-Trung, cũng như dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi.
Về phần mình, ông Kissinger khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ-Trung đối với hòa bình và thịnh vượng của thế giới. Ông kêu gọi hai bên tăng cường liên lạc, nâng cao hiểu biết lẫn nhau và giải quyết hiệu quả các bất đồng trong hoàn cảnh hiện nay nhằm hiện thực hóa sự phát triển ổn định lâu dài đối với quan hệ Mỹ-Trung.
Cùng ngày, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn cũng đã tiếp cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger. Ông Vương Kỳ Sơn nhấn mạnh mối quan hệ Trung-Mỹ trải qua những giai đoạn thăng trầm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây gần bốn thập niên, song mối quan hệ này nhìn chung đã có tiến triển. Ông khẳng định điều này không chỉ mang lại những lợi ích lớn lao cho nhân dân hai nước, mà còn góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng của thế giới.
Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn nhấn mạnh rằng những bài học lịch sử cho thấy rằng sự tôn trọng lẫn nhau, tham vấn bình đẳng và hợp tác đôi bên cùng có lợi là lựa chọn đúng đắn duy nhất thúc đẩy quan hệ song phương.
Ông kêu gọi hai nước đi theo xu hướng thời đại, tiếp tục củng cố sự hiểu biết lẫn nhau cũng như tăng cường trao đổi và hợp tác trong nhiều lĩnh vực, giải quyết thỏa đáng những bất đồng và tìm ra các cách thức hòa hợp với nhau trong những tình hình mới, nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương.
[Trung Quốc nhận định khả năng giải quyết mâu thuẫn thương mại với Mỹ]
Về phần mình, cựu Ngoại trưởng Kissinger cho rằng giữa Mỹ và Trung Quốc có nhiều lợi ích chung hơn là bất đồng, đồng thời bày tỏ sự nhất trí rằng hai nước cần giải quyết các vấn đề hiện nay thông qua đối thoại và tham vấn bình đẳng để đạt được đồng thuận về phát triển quan hệ song phương trong tương lai. Ông cũng tuyên bố sẵn sàng nỗ lực để đạt được kết quả này.
Những tháng gần đây, Trung Quốc và Mỹ trả đũa lẫn nhau bằng cách liên tiếp áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của bên kia. Việc không bên nào chịu "xuống nước" đã khiến những tranh cãi thương mại làm rung chuyển các thị trường tài chính và phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa tiếp tục áp thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 267 tỷ USD nếu hai bên không thể đạt một thỏa thuận về thương mại.
Theo giới chuyên gia, một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, có thể sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, vốn vừa có dấu hiệu phục hồi sẽ suy giảm trở lại.
Nếu bùng phát cuộc chiến thương mại áp dụng các biện pháp trừng phạt về thuế lẫn nhau giữa Mỹ với các nước Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Canada, Mexico, Hàn Quốc, ước tính trong khoảng thời gian năm năm (từ 2019-2023), tốc độ tăng trưởng sẽ giảm 2,7% so với trường hợp không xảy ra cuộc chiến thương mại./.