Trung Quốc khẳng định đối xử công bằng với các công ty nước ngoài

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định không có bất cứ sự phân biệt đối xử nào trong các chính sách công nghiệp của Trung Quốc với các doanh nghiệp nước ngoài.
Trung Quốc khẳng định đối xử công bằng với các công ty nước ngoài ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: gov.cn)

Phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh dẫn phát biểu của người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) Cao Phong tại buổi họp báo ngày 28/9 cho biết MOC một lần nữa đảm bảo rằng các doanh nghiệp nước ngoài sẽ luôn được đối xử một cách công bằng ở thị trường nước này.

Bên cạnh đó, ông Cao Phong còn khẳng định không có bất cứ sự phân biệt đối xử nào trong các chính sách công nghiệp của Trung Quốc. Theo ông Cao Phong, Chính phủ Trung Quốc đã nhấn mạnh tới sự công bằng giữa các công ty trong nước và những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Văn bản chính thức của Chính phủ Trung Quốc, được ban hành vào tháng 1/2017, đã khẳng định tất cả các doanh nghiệp tham gia chiến lược “Made in China 2025” sẽ đều được đối xử một cách công bằng. Các chính sách công nghiệp của Trung Quốc nhằm vào mục đích dẫn dắt và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp, và tuyệt đối không có ý đồ làm ảnh hưởng tới thị trường.

Tuyên bố của người phát ngôn MOC được đưa ra sau khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross chỉ trích chính sách trợ giá của Trung Quốc đối với hai lĩnh vực sản xuất robot và ôtô điện.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ đã bày tỏ quan ngại về sự mất cân đối trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước đồng thời nêu lên sự cần thiết phải thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Theo ông Ross, “điều quan trọng nhất là cần tạo điều kiện tốt hơn để công ty mỗi nước có thể tiếp cận thị trường của nhau.”

Ông Ross gọi Trung Quốc là một trong những "quốc gia bảo hộ mạnh mẽ nhất trên thế giới" và Mỹ muốn Trung Quốc hạn chế bớt các hành động này.

Ông Cao Phong cho biết Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra lộ trình loại bỏ từng bước các chính sách tài trợ và cam kết cắt giảm những hạn chế đối với đầu tư nước ngoài trong việc tiếp cận với lĩnh vực sản xuất xe hơi năng lượng mới (NEV - khái niệm của Trung Quốc dùng để chỉ các loại ô tô chạy hoàn toàn bằng điện hoặc động cơ lai hybrid).

Bên cạnh đó, ông Cao Phong cũng khẳng định về quyết tâm của Chính phủ Trung Quốc trong công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.