Trung Quốc: Không thể đàm phán thương mại với Mỹ vào thời điểm này

Do sức ép đơn phương từ phía Mỹ đe dọa sẽ áp đặt thêm mức thuế đối với các hàng hóa trị giá 100 tỷ USD từ Trung Quốc nên Bắc Kinh không thể tiến hành đàm phán vào thời điểm hiện tại.
Trung Quốc: Không thể đàm phán thương mại với Mỹ vào thời điểm này ảnh 1 Một gian hàng bán đồ sản xuất tại Trung Quốc ở New York (Mỹ). (Nguồn: THX/TTXVN)

Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 12/4 nhấn mạnh hiện không thể diễn ra các cuộc đàm phán nhằm giải quyết căng thẳng thương mại với Mỹ.

Phát biểu họp báo, người phát ngôn bộ trên Cao Phong cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không thể hiện "bất kỳ sự chân thành nào đối với đàm phán."

Bình luận về lời đe dọa của ông Trump áp đặt thêm mức thuế đối với các hàng hóa trị giá 100 tỷ USD từ Trung Quốc nhằm đáp trả cái gọi là "Bắc Kinh đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ," ông Cao Phong nêu rõ: "Do sự ép buộc đơn phương này, Trung Quốc không thể tiến hành đàm phán vào thời điểm hiện tại."

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cũng tuyên bố, các kế hoạch được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra trong tuần này nhằm cắt giảm thuế nhập khẩu xe hơi và nới lỏng quy định đầu tư trong các lĩnh vực tài chính và xe hơi không phải hành động nhượng bộ với Washington.

[Trung Quốc sẽ "chiến đấu" nếu Mỹ leo thang tranh cãi thương mại]

Hồi giữa tháng Ba vừa qua, chính quyền Mỹ đã thông báo quyết định tăng thuế đối với lượng hàng hóa trị giá 50 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc để đòi lại sự công bằng trong hoạt động thương mại giữa hai nước.

Mỹ cho rằng Washington đang chịu thua thiệt do Trung Quốc "cưỡng ép" các công ty và doanh nghiệp của Mỹ chuyển giao công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ. Đáp trả lại động thái này, Trung Quốc đã công bố danh sách các sản phẩm có tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD nhập khẩu từ Mỹ sẽ phải chịu mức thuế cao hơn, bao gồm có đậu tương, xe ôtô và hóa phẩm.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng quyết định áp mức thuế bổ sung 25% đối với 106 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ.

Tuy vậy, hiện chưa có bất kỳ biện pháp thuế nào có hiệu lực và hai quốc gia này vẫn còn thời gian để tiến hành các cuộc đàm phán./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.