Trung Quốc lên tiếng "phản pháo” đánh giá kinh tế của Moody's

Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ việc Moody’s hạ mức xếp hạng tín nhiệm nợ dài hạn của nước này với lập luận rằng cách tính toán dựa trên phương pháp đánh giá theo chu kỳ nên không chính xác.
Trung Quốc lên tiếng "phản pháo” đánh giá kinh tế của Moody's ảnh 1 Đồng 100 Nhân dân tệ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ việc Moody’s hạ mức xếp hạng tín nhiệm nợ dài hạn của nước này với lập luận rằng cách tính toán của Moody’s là dựa trên phương pháp đánh giá theo chu kỳ nên “hoàn toàn không chính xác.”

Thông báo ngày 24/5 của Bộ Tài chính Trung Quốc (MOF) khẳng định Moody’s đã đề cao về những khó khăn hiện nay của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, song lại đánh giá quá thấp về khả năng của nước này trong cải cách cơ cấu nguồn cung và gia tăng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Theo bộ trên, nền kinh tế Trung Quốc đã cho thấy những dấu hiệu khả quan ngay từ đầu năm 2017.

Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong Quý 1 đạt 6,9%, cao hơn mục tiêu 6,5% của cả năm và tốc độ tăng trưởng 6,8% của Quý 4/2016.

Nền kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ duy trì sự vững chắc và tăng trưởng tương đối nhanh nhờ những nỗ lực đi sâu cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tài chính, thuế và giá, bên cạnh đó là sự triển khai sáng kiến “Vành đai và Con đường.”

MOF đồng thời bác bỏ dự báo của Moody’s về việc nợ chính phủ của Trung Quốc sẽ tăng dần lên mức tương đương 40% GDP vào năm 2018.

Theo MOF, nợ chính phủ của Trung Quốc hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát, với tỷ lệ 36,7% GDP trong năm 2016, nằm ở dưới giới hạn cảnh báo 60% của Liên minh châu Âu (EU) và thấp hơn tỷ lệ nợ chính phủ của những nền kinh tế phát triển và mới nổi quan trọng khác.

Hoạt động vay nợ của chính phủ sẽ được kiểm soát chặt chẽ trong bối cảnh của cuộc cải cách cơ cấu nguồn cung.

Và tốc độ tăng trưởng ở mức trung bình đến cao trong những năm tới theo dự báo cũng sẽ cung cấp sự hỗ trợ cần thiết để quản lý các nguy cơ nợ chính phủ của các địa phương.

Chính vì vậy, các nguy cơ về nợ chính phủ của Trung Quốc sẽ không có khả năng thay đổi lớn trong giai đoạn 2018 - 2020.

MOF cũng cho rằng nhận định của Moody’s về sự gia tăng các nền tảng huy động tài chính của chính quyền các địa phương và nợ của các DNNN Trung Quốc sẽ khiến nợ tiềm tàng của chính phủ tăng cao là “hoàn toàn không có cơ sở.”

Đồng quan điểm với MOF, Uỷ ban Cải cách và phát triển quốc gia thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc cũng khẳng định biện pháp đòn bẩy tài chính, trong vai trò là một nhiệm vụ chủ chốt trong cuộc cải cách cơ cấu nguồn cung, đã và đang đạt được những tiến triển khả quan và Trung Quốc hoàn toàn có thể kiểm soát được các nguy cơ nợ.

Theo số liệu của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), tỷ lệ đòn bẩy tổng thể của Trung Quốc nằm ở mức trung bình so với thế giới và hoàn toàn ổn định.

Tuyên bố của MOF được đưa ra sau khi Moody’s đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm nợ dài hạn của Trung Quốc từ Aa3 xuống A.

Lý do của Moody's là tiềm lực tài chính của nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ giảm sút trong những năm tới, khi nợ tăng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Moody’s nhận định tăng trưởng tiềm năng của Trung Quốc sẽ giảm xuống 5% trong những năm tới nhưng tình trạng chậm lại có thể diễn ra từng bước, nhờ các biện pháp kích thích có thể được thực hiện.

Theo Moody’s, công cuộc cải cách đang diễn ra ở Trung Quốc sẽ làm thay đổi nền kinh tế và hệ thống tài chính theo thời gian, song sẽ không ngăn chặn được nguy cơ gia tăng nợ.

[Moody"s hạ mức xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Trung Quốc]

Cơ quan này dự báo nợ của chính phủ sẽ tăng dần lên mức tương đương 40% GDP vào năm 2018 vào tiến đến mức 45% GDP vào cuối thập niên này.

Ngoài ra, Moody’s cũng điều chỉnh triển vọng xếp hạng của Trung Quốc từ “tiêu cực” sang “ổn định” do đánh giá các nguy cơ với nền kinh tế đã được cân bằng.

Trong khi đó, hãng Standard & Poor's vẫn xếp hạng Trung Quốc ở mức AA- với triển vọng tiêu cực, cao hơn 1 bậc so với mức A+ của hãng xếp hạng Fitch Ratings, mức triển vọng ổn định.

Nền kinh tế của Trung Quốc đạt tăng trưởng 6,9% vào năm 2015 và 6,7% vào năm 2016 là những mức tăng trưởng chậm nhất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong hơn 2 thập kỷ qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.