Theo Thời báo Hàn Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - Trung Quốc và Mỹ - đang ở trong một cuộc chiến thương mại ngày càng khốc liệt và nhiều người sợ rằng đây chỉ là sự khởi đầu của một cuộc xung đột kéo dài có thể dùng cả vũ khí và gây nhiều thương vong chứ không chỉ là trong lĩnh vực thương mại và kết thúc nhanh chóng như Tổng thống Mỹ Donald Trump hy vọng.
Kể từ khi Trung Quốc tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, Mỹ đã tranh cãi với Trung Quốc về thặng dư tài khoản vãng lai lớn và đồng nhân dân tệ phá giá của Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong hơn 10 năm qua, vấn đề thặng dư thương mại của Trung Quốc gần như không còn và đồng nhân dân tệ đã tăng giá. Giờ đây, Mỹ chuyển hướng sự chú ý của mình sang việc Trung Quốc thiếu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và chính sách của nước này đổi công nghệ nước ngoài lấy sự tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo quan điểm của Trung Quốc, điều mà Mỹ thực sự phản ứng không chỉ là những chi tiết trong chính sách thương mại của Trung Quốc mà còn là mô hình phát triển tổng thể và khao khát của nước này trở thành một cường quốc trên thế giới - điều hiện không nằm ngoài tầm với của Trung Quốc.
Thực tế, người Trung Quốc tin rằng việc Mỹ gây chiến tranh thương mại với nước này chứng tỏ Trung Quốc nay đã trở thành một mối đe dọa thực sự đối với sự cường quyền của Mỹ. Trong khi trước đây chỉ một vài nhân vật bảo thủ ở Trung Quốc cảnh báo các nỗ lực của Mỹ nhằm "kiềm chế" Trung Quốc, nay gần như mọi người ở Trung Quốc đã tin điều này, trong đó có số người trẻ tuổi ngày càng đông hơn.
Tuy nhiên, nhóm trẻ tuổi này - những người ngày càng bày tỏ sự thân thiện với các nước phương Tây và Nhật Bản hơn cha mẹ và ông bà họ - đang có niềm tin vào tư tưởng của phương Tây. Mối đe dọa thực sự là chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy có thể hình thành một nhóm người, được biết tới là lực lượng cánh tả mới, lên án chủ nghĩa tư bản cũng như những người ủng hộ phương Tây và kêu gọi Trung Quốc trở về trật tự xã hội chủ nghĩa thời Mao Trạch Đông cách đây 40 năm.
Mặt tích cực là, điều đó có thể tạo ra sự kết dính chính trị cần thiết ở Trung Quốc để nước này thực hiện các cải cách cơ cấu chuyển hướng nền kinh tế từ tập trung vào thương mại và chế tạo sang tiêu dùng trong nước. Cắt giảm thuế và phân phối lại của cải hướng tới các hộ gia đình cũng là những khả năng xảy ra ở Trung Quốc.
Không thể nói rằng Trung Quốc sẽ không tiếp tục theo đuổi các kế hoạch của nước này mở cửa hơn. Ngay cả khi Trung Quốc nâng thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ Mỹ, nước này sẽ lại hạ thuế đối với hàng hóa của các nước khác để thực hiện cam kết tăng tổng nhập khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Và việc tự do hóa trong ngành dịch vụ-tài chính sắp tới của nước này sẽ là bước mở cửa lớn nhất kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO.
[Hình bóng 'Chiến tranh lạnh' trong cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ]
Các lĩnh vực sẽ mở cửa hơn đối với nước ngoài là ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, dịch vụ thanh toán và đánh giá. Những hạn chế đối với lượng cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài hay đầu tư vào các ngành dịch vụ đang liên tiếp được loại bỏ. Thể hiện phương châm của ông Tập Cận Bình "sớm hơn là muộn và nhanh tốt hơn chậm," ít nhất 7 trong số 11 biện pháp mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thông báo hồi tháng 4 năm nay đã được thực hiện xong.
Tuy nhiên, ngay cả khi Trung Quốc tiếp tục mở cửa kinh tế, nước này vẫn sẽ ngày càng hướng nội, coi công dân của mình là người tiêu dùng chính và thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước lựa chọn và phát triển các công nghệ mới. Nhiều công ty Trung Quốc đã nỗ lực gấp đôi để tăng khả năng đổi mới và nâng cao giá trị gia tăng.
Cho dù cuộc chiến thương mại do ông Trump phát động là nhằm kiềm chế Trung Quốc hay chỉ để trừng phạt nước này vì chính sách thương mại, hậu quả không mong muốn là Trung Quốc đang củng cố sức mạnh của mình trước một kỷ nguyên mới với nhiều thách thức về kinh tế và chính trị. Đúng là nước này sẽ thấy khó khăn hơn trong việc theo đuổi Sáng kiến Vành đai và Con đường hay xuất khẩu hàng hóa dư thừa song về lâu dài, việc giảm sự lệ thuộc vào ngoại thương và các công nghệ nhập khẩu sẽ làm cho Trung Quốc mạnh hơn, kiên cường hơn, và có thể không cam chịu những luật lệ do Mỹ đặt ra.
Đôi khi "kẻ thua cuộc" trong một cuộc chiến thương mại cuối cùng lại giàu có hơn "người chiến thắng." Vào những năm 80 thế kỷ trước, khi Tổng thống Mỹ Ronald Reagan áp đặt hạn ngạch đối với xe hơi Nhật Bản xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản đã phải chịu thiệt hại. Tuy nhiên, sau một thời gian, Nhật Bản đã phát triển ngành công nghiệp ôtô của mình để nước này có thể xuất khẩu những chiếc xe đắt tiền hơn.
Ông Trump nghĩ rằng “tấn công” Trung Quốc về thương mại sẽ giúp cho “nước Mỹ vĩ đại trở lại," song điều đó có thể lại làm cho Trung Quốc trở nên mạnh hơn./.