Trung Quốc được biết tới là thị trường tiêu thụ ôtô nhiều nhất thế giới, với chủ yếu là các xe mới.
Tuy nhiên, lĩnh vực kinh doanh xe đã qua sử dụng (second-hand) tại nước này bắt đầu phát triển mạnh trong thời gian gần đây, mở ra thêm một cơ hội kiếm lời cho các nhà chế tạo ôtô nước ngoài, bất chấp tâm lý miễn cưỡng của các khách hàng truyền thống.
Tại Trung Quốc, cứ bốn chiếc xe ôtô mới được bán ra thì có một chiếc second-hand được tiêu thụ. Điều này trái ngược hoàn toàn với châu Âu và Mỹ, nơi mà cứ ba chiếc ôtô cũ được bán ra thì có một chiếc ôtô mới tìm được "chủ nhân."
Mặc dù trong năm 2014, doanh số bán ôtô tại Trung Quốc đạt hơn 23 triệu chiếc, song có tới 65% khách hàng tại thị trường này mua xe lần đầu. Do vậy, số lượng xe cũ để trao đổi và mua bán lại ở nước này vẫn còn hạn chế.
Bên cạnh đó, sự nghi ngại của người tiêu dùng Trung Quốc về chất lượng các xe đã qua sử dụng cũng tạo nên thói quen mua xe mới, thay vì các loại xe cũ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường ôtô đang bị bão hòa và Chính phủ Trung Quốc liên tục đưa ra các quy định nhằm hạn chế việc đăng ký xe mới, xu hướng trên đang dần thay đổi.
Mathieu Vennin, Giám đốc điều hành chi nhánh hãng sản xuất ôtô Peugeot của Pháp tại Trung Quốc, nhấn mạnh rằng chỉ 10 năm trước, việc mua một chiếc ôtô đã qua sử dụng dường như không hề tồn tại trong suy nghĩ của người tiêu dùng Trung Quốc.
Thế nhưng, theo Hiệp hội các nhà kinh doanh ôtô Trung Quốc (CADA), trong năm 2014, doanh số bán xe ôtô second-hand đã tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2013 và đạt 6,05 triệu chiếc. Trái lại, doanh số bán xe mới chỉ tăng 6,9%, chậm lại đáng kể so với năm trước đó.
Hầu hết các hoạt động mua bán xe cũ tại Trung Quốc hiện vẫn diễn ra dưới hình thức cá nhân, khi mà có tới 95% giao dịch này được thực hiện bởi các nhà kinh doanh độc lập, nhỏ lẻ và họ không phải chi các loại thuế tiêu dùng.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất ôtô tên tuổi đang "nhăm nhe" nhảy vào thị trường đầy cơ hội này bằng việc bán lại các sản phẩm đã qua sử dụng của họ với sự bảo đảm chất lượng tốt hơn. Động thái này giúp thị trường xe second-hand trở nên đáng tin cậy hơn trước đây.
Volvo Cars là hãng xe mới nhất công bố kế hoạch tham gia thị trường ôtô cũ, sau khi một loạt "ông lớn" khác trong ngành ôtô như Nissan, Audi và Peugeot cũng lên các kế hoạch tương tự và hiện đã thiết lập tổng cộng 700 điểm chứng nhận chất lượng ôtô cũ trên khắp cả nước Trung Quốc.
Mặt khác, các quy định hạn chế đăng ký ôtô mới tại một số thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải nhằm cắt giảm bớt lượng khí thải và đẩy lùi tình trạng tắc nghẽn giao thông, cũng giúp thị trường ôtô second-hand tại nước này hưởng lợi.
Các thương hiệu xe hơi cao cấp, vốn có giá bán trung bình từ 33.000 USD tới 197.000 USD/chiếc cũng tìm thấy cơ hội kinh doanh xe cũ ngày một rộng mở tại Trung Quốc, giữa bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trên đà "giảm tốc," khiến nhiều khách hàng chọn mua xe cũ chất lượng cao thay vì những chiếc xe mới xa xỉ. Ước tính, một chiếc xe đã qua sử dụng 1 năm có giá thấp hơn khoảng 25% một chiếc mới cùng dòng.
Ian Robertson, phụ trách mảng bán hàng của hãng BMW tại Trung Quốc cho biết: "Sự bùng nổ thị trường ôtô second-hand đang mang tới cho chúng tôi thêm các đối tượng khách hàng mới, trong số đó có cả những người chưa từng sở hữu bất kỳ chiếc ôtô nào."
Namrita Chow, chuyên gia phân tích hàng đầu của Viện IHS (London), cho rằng khi tham gia vào thị trường xe cũ tại Trung Quốc, các nhà sản xuất ôtô chủ yếu hướng vào các khách hàng có thu nhập tương đối thấp, đồng thời cũng nhằm tăng cường sự hiện diện tại Trung Quốc - thị trường tiêu thụ ôtô hàng đầu thế giới, mà vẫn không đánh mất đẳng cấp của các dòng xe mới.
Thậm chí, một số hãng xe cao cấp đang tìm cách "bắt tay" với các trang bán hàng trực tuyến nhằm đẩy mạnh mảng kinh doanh này.
Mới đây, trang bán hàng điện tử "khổng lồ" của Trung Quốc là Alibaba đã hợp tác với China Grand Auto, một đại lý cung cấp ôtô lớn của nước này.
Trong khi đó, công cụ tìm kiếm mạnh nhất của Trung Quốc là Baidu cũng vừa đầu tư vào Uxin, trang bán đấu giá trực tuyến các loại ôtô cũ./.