Trung Quốc muốn giải quyết tình trạng thép dư thừa

Nhằm giải quyết tình trạng thép dư thừa, Trung Quốc công bố danh sách 45 doanh nghiệp trong nước đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia.
Bộ Công nghệ Thông tin và Công nghiệp (MIIT) Trung Quốc vừa công bố danh sách 45 doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực công nghiệp sắt - thép, liên quan đến chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, tiêu thụ năng lượng, tay nghề và thiết bị, quy mô sản xuất cũng như trách nhiệm xã hội khác.

Đây được coi là một động thái mới nhất nhằm giải quyết tình trạng thép dư thừa, hiện đang tác động tiêu cực đến ngành.

Theo MIIT, 45 doanh nghiệp sản xuất thép có đủ điều kiện gồm 30 doanh nghiệp quốc doanh như Baosteel, Angang Steel, và 15 công ty thép tư nhân, mà có tổng sản lượng thép thô đạt 300 triệu tấn năm 2012, tương đương 41,4% tổng sản lượng thép của cả nước. 45 doanh nghiệp trên được lựa chọn trong số 104 công ty, đặt cơ sở sản xuất tại 19 tỉnh, thành phố và khu tự trị.

Miao Zhimin, Phó Giám đốc Vụ Nguyên liệu thô thuộc MIIT, cho biết Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan chính phủ khác để hỗ trợ các doanh nghiệp trên và tạo điều kiện thuận lợi cho việc sáp nhập và tái cơ cấu ngành công nghiệp thép. Còn các công ty không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc gia sẽ khó phát triển do giá điện cao hơn và các quy định quản lý chặt chẽ hơn.

Mặc dù Trung Quốc vẫn duy trì được vị thế nước sản xuất thép lớn nhất thế giới trong nhiều năm qua, nhưng tình trạng sản lượng thép dư thừa kéo dài là vấn đề khó khăn “kinh niên” đối với ngành này. Do chính quyền địa phương muốn mở rộng quy mô các công ty thép để thúc đẩy nền kinh tế địa phương, dẫn tới tổng công suất thép của cả nước thép vượt tổng sản lượng thép của phần còn lại trên thế giới.

Theo số liệu của MIIT, sản lượng thép của Trung Quốc trong năm 2012 đạt 1 tỷ tấn, song các nhà sản xuất thép lớn của nước này chỉ thu được vẻn vẹn 1,5 tỷ NDT lợi nhuận.

Hiện nay, Trung Quốc dựa chủ yếu vào công cụ quản lý hành chính để điều chỉnh hoạt động của ngành công nghiệp thép, nhưng ít có hiệu quả trong việc xử lý tình trạng dư thừa sản lượng.

Ông Miao cho rằng “các cơ quan chức năng cần tìm cách thức mới để quản lý, đưa lĩnh vực này hoạt động theo các quy định thị trường và phát triển có trật tự”. Có khoảng 80% sản lượng thép sẽ chịu sự giám sát và quản lý theo tiêu chuẩn quốc gia mới vào năm 2015./.

Minh Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.