Trung Quốc muốn Mỹ chia sẻ mục tiêu đạt được thỏa thuận thương mại

Trung Quốc mong muốn cùng Mỹ hợp tác chặt chẽ để thực thi thỏa thuận quan trọng đã đạt được tại Argentina và muốn Washington chia sẻ mục tiêu đạt thỏa thuận thương mại có lợi cho hai bên.
Trung Quốc muốn Mỹ chia sẻ mục tiêu đạt được thỏa thuận thương mại ảnh 1Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng. (Nguồn: fmprc.gov.cn)

Ngày 19/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đưa ra tuyên bố bày tỏ mong muốn Washington và Bắc Kinh sẽ hợp tác chặt chẽ để thực thi thỏa thuận quan trọng mà lãnh đạo hai nước đã đạt được trong cuộc gặp năm ngoái tại Argentina, cũng như chia sẻ mục tiêu đạt được một thỏa thuận có thể chấp nhận được và có lợi cho cả hai bên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố trên ngay trước thềm vòng đàm phán thương mại tiếp theo của giới chức cấp cao hai nước, dự kiến diễn ra trong ngày 21/2 tại Washington.

Để chuẩn bị cho sự kiện này, các cuộc đàm phán cấp thấp sẽ diễn ra ngày 19/2 tại Mỹ (theo giờ địa phương).

Theo thông báo của Nhà Trắng, phái đoàn đàm phán của Mỹ gồm Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Cố vấn Chính sách kinh tế Larry Kudlow và Cố vấn Thương mại Peter Navarro.

Trong khi đó, theo Bộ Thương mại Trung Quốc, đoàn đàm phán nước này sẽ do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu.

[Mỹ và Trung Quốc tiếp tục vòng đàm phán thương mại ở Washington]

Tuyên bố của Nhà Trắng khẳng định mục tiêu của các vòng đàm phán là "đạt được sự thay đổi về cấu trúc cần thiết tại Trung Quốc" - yếu tố mà Mỹ cho là tác động đến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, hai bên cũng sẽ thảo luận về cam kết của Trung Quốc mua một lượng lớn hàng hóa và dịch vụ của Mỹ như một giải pháp nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với nền kinh tế số hai thế giới.

Cuộc chiến thương mại đã bùng phát từ giữa năm 2018, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã liên tiếp trả đũa nhau bằng các mức thuế mới.

Đến nay, tổng lượng hàng hóa bị đánh thuế cao hơn của hai bên đã lên tới hơn 360 tỷ USD. Lãnh đạo hai nước đã nhất trí "đình chiến thương mại" trong 90 ngày kể từ 1/12/2018, để hai bên thương lượng một thỏa thuận nhằm chấm dứt nhiều tháng leo thang căng thẳng.

Nếu giới chức hai nước không đạt được giải pháp cho cuộc chiến thương mại, Mỹ sẽ tăng mức thuế từ 10% hiện nay lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD từ ngày 2/3 tới.

Các cố vấn của Tổng thống Donald Trump trước đó mô tả ngày 1/3 tới là "giới hạn cứng," song ông Trump phát biểu với báo giới rằng vẫn có thể gia hạn thỏa thuận "đình chiến thương mại" 90 ngày mà ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20) ở Argentina hồi năm ngoái.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng ông sẽ tăng thuế nếu các bất đồng không được giải quyết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.