Hãng thông tấn EFE (Tây Ban Nha) vừa có bài viết về quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh, mối quan hệ ngày càng gắn bó trong thập niên vừa qua và có bước phát triển mới với việc công trình kênh đào Nicaragua, có thể được coi là dự án hạ tầng biểu tượng của Mỹ Latinh trong thế kỷ XXI, vừa được khởi công.
Bài báo khẳng định việc Công ty phát triển đầu tư kênh đào Nicaragua HK, có trụ sở ở Hong Kong, khởi công dự án trên cho thấy Trung Quốc đã nhanh chóng giành vị thế cường quốc thương mại và đầu tư tại Mỹ Latinh.
Mỹ và Tây Ban Nha, hai nước có mối quan hệ lịch sử đầy thăng trầm với Mỹ Latinh, quan sát Trung Quốc thực hiện dự án đầu tư khổng lồ trên với mối quan ngại.
Chỉ trong 10 năm, Trung Quốc đã gần đuổi kịp Tây Ban Nha và Mỹ về vốn đầu tư và kim ngạch trao thương mại với Mỹ Latinh.
Trong nhiều thập kỷ, quan hệ của Trung Quốc với Mỹ Latinh chỉ dừng lại ở những lời hô hào hữu nghị, hoặc sự ủng hộ, bằng lời nói nhiều hơn việc làm, đối với các phong trào cách mạng tại khu vực này.
Thế nhưng điều này đã thay đổi kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thăm Brazil, Argentina, Chile và Cuba năm 2004. Đối với nhiều quan sát viên, chuyến thăm đánh dấu một mốc mới trong quan hệ giữa hai “thế giới” xa cách về mặt địa lý nhưng có những lợi ích bổ sung cho nhau.
Khi đó Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cam kết Trung Quốc sẽ đầu tư tại Mỹ Latinh 100 tỷ USD trong vòng 10 năm, và đề ra mục tiêu nâng trao đổi thương mại lên 100 tỷ USD. Mục tiêu này đã được hoàn thành vượt mức.
Theo Ủy ban kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc (ECLAC), từ một bạn hàng thương mại nhỏ, Trung Quốc đã trở thành đối tác lớn của khu vực này, với trao đổi mậu dịch tăng từ hơn 12 tỷ USD năm 2000 lên gần 275 tỷ USD năm 2013, tức là tăng gần 22 lần, trong khi trao đổi thương mại giữa Mỹ Latinh và Caribe với thế giới chỉ tăng 3 lần.
Trung Quốc hiện là bạn hàng lớn thứ 2 của khu vực này. Đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ Latinh đã tăng từ 1 tỷ USD năm 2003 lên 87,8 tỷ USD năm 2012. Riêng xây dựng kênh đào Nicaragua dài gần 300km sẽ thu hút khoảng 40 tỷ USD.
Tại hội nghị cấp bộ trưởng đầu tiên của Diễn đàn Trung Quốc - Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) vừa diễn ra tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo trong 10 năm tới Trung Quốc sẽ đầu tư 250 tỷ USD tại khu vực này, đồng thời đặt mục tiêu nâng kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều lên 500 tỷ USD.
Hiện Trung Quốc đầu tư vào nhiều dự án lớn trong lĩnh vực đường sắt, khai khoáng, khai thác dầu mỏ và sản xuất thủy điện tại Mỹ Latinh.
Một số trong các dự án này làm “thay da đổi thịt” nền kinh tế quốc dân của một số nước, như kênh đào Nicaragua và dự án thủy điện Coca Codo Sinclair tại Ecuador.
Có lẽ sự hiện diện của Trung Quốc trong lĩnh vực đường sắt gây nhiều sự chú ý hơn cả. Bắc Kinh giúp khôi phục hệ thống đường sắt vận chuyển hàng hóa bị bỏ quên trong nhiều thập kỷ tại Argentina nhằm kết nối các khu vực sản xuất nông nghiệp với các cảng phục vụ xuất khẩu, trong đó có xuất khẩu đậu tương, sản phẩm Argentina xuất nhiều nhất sang Trung Quốc.
Tại Colombia, các công ty của Trung Quốc phát triển hệ thống đường sắt kết nối với Đại Tây Dương. Còn tại Venezuela, Trung Quốc tham gia xây dựng hệ thống đường sắt nối thủ đô Caracas với các khu vực sản xuất dầu mỏ ở miền tây.
Ngoài ra, phải kể đến bản ghi nhớ giữa Trung Quốc, Brazil và Peru về hợp tác xây dựng tuyến đường sắt dài 3.500km nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Các dự án của Trung Quốc trong lĩnh vực dầu mỏ, khai khoáng và thủy điện tại Mỹ Latinh không ầm ĩ, nhưng nhiều hơn và tiến triển hơn.
Trung Quốc tài trợ 1/4 các dự án khai khoáng tại Peru (Peru và Chile là hai nước cung cấp đồng quan trọng cho Trung Quốc).
Tại Bolivia, các doanh nghiệp Trung Quốc khai thác liti (lithium), kim loại dùng để sản xuất pin và ắcquy cho xe ôtô, máy tính bản và điện thoại di động. Ngoài ra, Trung Quốc có mặt tại hơn 20 dự án thủy điện ở Trung Mỹ và Nam Mỹ.
Theo giáo sư Simon Shen, chuyên gia về quan hệ quốc tế Đại học tổng hợp Hồng Công, sự đổ bộ của Trung Quốc tại Mỹ Latinh mang tính chất chính trị kết hợp với lợi ích kinh doanh thuần túy.
Trung Quốc khuyến khích các doanh nghiệp ra nước ngoài để đa dạng hóa đầu tư và giải quyết vấn đề năng lượng, thế nhưng các doanh nghiệp cũng hoạt động vì lợi ích của mình./.