Trung Quốc nêu bật các ưu tiên của APEC hậu đại dịch COVID-19

Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn nêu rõ những nỗ lực của các nền kinh tế APEC và tầm nhìn mới về hợp tác sau năm 2020 đã được trình lên Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC để chờ thông qua.
Trung Quốc nêu bật các ưu tiên của APEC hậu đại dịch COVID-19 ảnh 1Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn. (Nguồn: scmp)

Ngày 19/11, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn nhận định Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vẫn có tương lai triển vọng dù toàn cầu hóa đang đối mặt với một số thụt lùi trong những năm gần đây.

Phát biểu tại Đối thoại Lãnh đạo doanh nghiệp APEC với chủ đề “Tái thiết hình ảnh APEC - Những ưu tiên sau đại dịch COVID-19” diễn ra theo hình thức trực tuyến, Thứ trưởng Vương Thụ Văn nêu rõ những nỗ lực của các nền kinh tế APEC và tầm nhìn mới về hợp tác sau năm 2020 đã được trình lên Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC để chờ thông qua.

Ông cho biết văn kiện này sẽ định hình hoạt động của APEC trong 20 năm tới, tầm nhìn mới tái khẳng định ủng hộ của tổ chức này với hệ thống thương mại đa phương và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đồng thời nhấn mạnh việc thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, đặc biệt là tiến trình của Hiệp định thương mại tự do tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Văn kiện cũng tái khẳng định sự ủng hộ của APEC đối với việc phát triển nền kinh tế số và khuyến khích sáng tạo.

Theo ông, tầm nhìn này có vai trò quan trọng với cộng đồng doanh nghiệp, khi không chỉ phản ánh nhu cầu, mà còn tạo điều kiện cho phát triển trong tương lai của lĩnh vực công nghiệp và thương mại.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Trung Quốc về thúc đẩy thương mại quốc tế Gao Yan nhận định nền kinh tế số của Trung Quốc đang dần hội nhập với nền kinh tế thực và trở thành một đầu tàu quan trọng cho tăng trưởng ổn định và bền vững.

Theo quan chức này, trong kỷ nguyên hậu đại dịch, kinh tế số sẽ thổi nguồn năng lượng mới vào quá trình tối ưu hóa công nghiệp của Trung Quốc, thúc đẩy tiêu thụ và phát triển chất lượng cao. Quan chức này khẳng định kinh tế số của Trung Quốc sẽ bước vào kỷ nguyên vàng với mô hình phát triển mới.

Năm ngoái, kinh tế số của Trung Quốc đóng góp tới 67,7% tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đạt 35.800 Nhân dân tệ (5.470 tỷ USD).

[APEC 2020: Các nhà lãnh đạo kêu gọi thương mại mở và đa phương]

Cũng tại phiên đối thoại, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã tái khẳng định sự ủng hộ của Thái Lan đối với các nỗ lực chống dịch hiện nay của quốc tế.

Trong thông điệp bằng video gửi tới phiên đối thoại, nhà lãnh đạo Thái Lan đã cam kết hỗ trợ nền tảng chia sẻ thông tin về dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 để thiết lập dữ liệu phục vụ cho việc khôi phục hoạt động kinh doanh.

Thời gian qua, dịch COVID-19 đã khiến kết nối bị đình trệ, gián đoạn hoạt động thương mại và đầu tư. Do đó, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho rằng đây là thời điểm để thúc đẩy hợp tác toàn diện nhằm hướng tới tương lai.

Theo ông, để hỗ trợ nền kinh tế hậu COVID-19, các bên cần tái khẳng định cam kết đối với hệ thống thương mại đa phương, thương mại và đầu tư tự do và mở cửa, đặc biệt là tận dụng tiềm năng của kinh tế và đa dạng hóa chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Thái Lan đánh giá Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nói chung và Thái Lan nói riêng có thể đóng góp lớn cho APEC trong các lĩnh vực phát triển bền vững của khu vực. Ông nhấn mạnh Thái Lan sẽ tiếp tục tham gia thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư của APEC và ASEAN.

Về phần mình, Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định nước này đã tận dụng tình hình khủng hoảng do đại dịch COVID-19 để thực hiện cải cách cơ cấu lớn.

Trong bài phát biểu, Tổng thống Joko Widodo cho biết Indonesia đã cải thiện các quy định hiện hành và tình trạng quan liêu để đẩy nhanh quá trình phục hồi trong giai đoạn khó khăn, cũng như sẵn sàng mở cửa sớm nhất có thể để có thể đón nhận các doanh nhân và nhà đầu tư theo cách mới.

Cách đây vài tuần, Indonesia đã thông qua đạo luật về tạo việc làm nhằm đơn giản hóa các quy định, hướng tới môi trường đầu tư và kinh doanh chất lượng.

Ông cũng chỉ ra rằng việc đầu tư vào các đặc khu kinh tế, khu thương mại tự do và cảng tự do sẽ giúp tăng sức hút đầu tư, đẩy nhanh việc cấp giấy phép kinh doanh tại những khu vực này.

Đối thoại Lãnh đạo doanh nghiệp APEC 2020 là hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2020. Cuộc đối thoại diễn ra trong các ngày 19 và 20/11 với sự tham gia của lãnh đạo và các doanh nghiệp của 21 nền kinh tế thành viên APEC./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.