Người tiêu dùng tiết kiệm, rượu nhập khẩu nằm phủ bụi

Trung Quốc: Người tiêu dùng tiết kiệm, rượu nhập khẩu nằm phủ bụi

Nguyên nhân đưa đến việc rượu được bán rẻ hơn giá trị thực là tình trạng rượu ngập tràn trên thị trường, khi có quá nhiều nhà nhập khẩu kể từ năm 2010.
Trung Quốc: Người tiêu dùng tiết kiệm, rượu nhập khẩu nằm phủ bụi ảnh 1Rượu được bày bán trong một siêu thị tai Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Những thùng rượu Chateau Brehat của Bordeaux (Pháp) đã nằm phủ bụi trong ba năm ở một kho bên ngoài Thượng Hải (Trung Quốc), trước khi những người chủ của chúng cắt được lỗ trong tháng Bảy, với việc giảm 3/4 mức giá 50 USD ghi trên nhãn.

Nguyên nhân đưa đến việc rượu được bán rẻ hơn giá trị thực là tình trạng rượu ngập tràn trên thị trường, khi có quá nhiều nhà nhập khẩu kể từ năm 2010.

Tiêu thụ rượu của Trung Quốc từ chỗ tăng ở mức hai con số đã giảm trong năm ngoái và có thể chỉ tăng trên 1% mỗi năm cho đến năm 2020.

Sự giảm sút đó là điều không mong đợi gì khi ngành sản xuất và kinh doanh rượu toàn cầu đang đặt hy vọng vào sự tăng trưởng nhanh của Trung Quốc và là dấu hiệu nữa cho thấy người tiêu dùng nước này đang hạn chế chi tiêu.

Theo ông Xavier Grangier, Giám đốc bán hàng của Europasia (công ty về hậu cần, điều hành kho chứa rộng 4.000 m2 tại Thượng Hải, nơi chứa 250.000 chai rượu, chủ yếu là rượu của châu Âu), nhu cầu lớn ban đầu đã giúp hãng làm chủ được về giá cả nhưng hiện đã phải hạ giá bán và một số rượu không thể tiêu thụ được.

Ông cho biết riêng tại Thượng Hải, 2.000 công ty kinh doanh rượu đã phá sản trong vài năm qua.

Giám đốc tiếp thị tại Thượng Hải của nhà nhập khẩu rượu Pháp VGF China Ltd, Pierrick Fayoux, nói rằng vào năm 2010, người ta kỳ vọng rằng Trung Quốc là mảnh đất vàng cho kinh doanh rượu và một người có thể trở thành triệu phú khi "nhảy" vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, rượu bây giờ được bán với giá còn thấp hơn chi phí, một số loại kém ngon do được để lâu trong các kho chứa có điều kiện bảo quản không tốt và có những chai Bordeaux có giá 15 nhân dân tệ (2,36 USD).

Hiện tại lượng dự trữ cao và sức ép giảm giá đã khiến việc đạt lợi nhuận trở lại là khó khăn.

Ngay cả nhà nhập khẩu rượu lớn nhất Trung Quốc là ASC Fine Wines đã giảm giá và chịu tác động đến lợi nhuận.

ASC Fine Wines, thuộc sở hữu của công ty Nhật Bản Suntory Beverage & Food, nhận thấy thị trường rượu đang trong giai đoạn tăng trưởng chậm hơn và nhà nhập khẩu này đang từ chỗ tập trung chủ yếu vào các loại rượu hảo hạng sang sản xuất nhiều hơn các loại rượu dành cho các khách hàng mới làm quen với văn hóa uống rượu.

Tuy nhiên, ngành rượu tại Trung Quốc có tiềm năng lâu dài khi Trung Quốc là một thị trường lớn thứ năm thế giới, nhưng với chỉ với 38 triệu người uống rượu - chủ yếu là ở các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh và Thiên Tân - trong số 1,4 tỷ dân, với mức tiêu thụ bình quân đầu người hàng năm chỉ 5,8 lít, bằng một phần nhỏ so với mức 50 lít tại Pháp.

Theo báo cáo của hãng phân tích số liệu về rượu IWSR, thị trường bán lẻ rượu Trung Quốc trị giá 78 tỷ nhân dân tệ (12,3 tỷ USD), với rượu nhập khẩu chiếm khoảng 1/3./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.