Trung Quốc-Nhật Bản lại căng thẳng vì dự án đường sắt Indonesia

Nhật Bản đã sửa lại những đề xuất trong dự án xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc đầu tiên ở Indonesia và Trung Quốc bày tỏ sự thất vọng về điều này.
Trung Quốc-Nhật Bản lại căng thẳng vì dự án đường sắt Indonesia ảnh 1Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia Tạ Phong. (Nguồn: id.mofcom.gov.cn)

Kyodo đưa tin cuộc cạnh tranh gắt gao giữa Nhật Bản và Trung Quốc để giành thầu xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc đầu tiên ở Indonesia đã trở nên nóng hơn trong tuần này khi Bắc Kinh bày tỏ sự thất vọng về việc Tokyo sửa lại những đề xuất của họ.

Những đề xuất mới, được đưa vào bản luận chứng khả thi của Nhật Bản về dự án này, đã đề xuất tăng thành phần địa phương từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho đến phát triển hệ thống tàu.

Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia Tạ Phong chiều 28/8 đã gặp Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Darmin Nasution để yêu cầu giải thích về những đề xuất mới mà ông Hiroto Izumi, cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, đưa ra với Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 26/8.

Ông Tạ Phong bày tỏ sự thất vọng: "Chúng tôi hy vọng tất cả các bên tôn trọng luật lệ đã được Chính phủ Indonesia đề ra. Chỉ một luận chứng khả thi! Không hơn!"

Trả lời báo giới, ông Nasution tiết lộ Đại sứ Trung Quốc đã chỉ trích việc Indonesia chấp nhận đề xuất của Nhật Bản là "không công bằng."

Theo Bộ trưởng Nasution, ông đã hỏi liệu Trung Quốc có muốn đưa ra những đề xuất mới trong luận chứng khả thi của họ hay không, song Đại sứ Tạ Phong đã từ chối và lạc quan rằng Trung Quốc đã đề xuất kế hoạch tốt nhất cho dự án.

Bộ trưởng Nasution cho hay Tổng thống Indonesia sẽ tự đưa ra quyết định chọn Trung Quốc hay Nhật Bản và công bố bên thắng thầu vào ngày 1/9 tới.

Theo luận chứng khả thi của Nhật Bản, nước này sẵn sàng bắt đầu xây dựng hệ thống đường sắt dài 145km, nối Jakarta và thủ phủ Bandung của tỉnh Tây Java, vào năm 2016 và cần 5 năm để thoàn thành, trong đó có giai đoạn 1 năm hoạt động thử nghiệm.

Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố sẽ bắt đầu xây dựng vào tháng sau và chỉ mất 3 năm để hoàn thành./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.