Các nhà khảo cổ học Trung Quốc mới đây đã phát hiện dấu tích một công trình lịch sử có kiến trúc ngũ giác được cho là có từ cách đây 5.500 năm ở thành phố Thái Nguyên, thủ phủ tỉnh Sơn Tây, miền Bắc nước này.
Những tàn tích của công trình được khai quật tại một địa điểm xây dựng ở Thái Nguyên.
Theo Viện Di tích văn hóa và khảo cổ học thành phố Thái Nguyên, đây là vết tích của một công trình có từ thời kỳ văn hóa Ngưỡng Thiều.
Tại địa điểm này, các nhà khảo cổ học cũng đã tìm thấy hố tro, 11 lò gốm, 2 ngôi nhà và 6 lăng mộ từ thời nhà Minh (1368-1644) và thời nhà Thanh (1644-1911).
[Bộ hài cốt hơn 7.000 năm tuổi tại Indonesia hé lộ lịch sử loài người]
Dấu tích quan trọng nhất là một lầu ngũ giác dựng trên khu vực có diện tích khoảng 32m2.
Trong di tích này, các nhà khảo cổ phát hiện nhiều đồ và mảnh gốm, trong đó có những chiếc ấm làm bằng gốm chứa đầy cát và những chiếc nồi gốm màu xám, màu đỏ cùng những chiếc lọ có hình dáng thuôn nhọn ở phần đáy.
Các chuyên gia tin rằng đây là một phát hiện có giá trị quan trọng phục vụ nghiên cứu các đặc trưng văn hóa thời kỳ đồ đá mới ở vùng châu thổ Thái Nguyên và những hoạt động giao lưu văn hóa từ thời tiền sử ở Thái Nguyên và các vùng xung quanh.
Văn hóa Ngưỡng Thiều là văn hóa thời kỳ đồ đá mới đã tồn tại rộng khắp tại các vùng dọc trung lưu sông Hoàng Hà tại Trung Quốc.
Văn hóa Ngưỡng Thiều có niên đại khoảng 5000 năm tới 3000 năm Trước Công nguyên. Nền văn hoá này được biết đến rộng rãi nhờ những tiến bộ vượt bậc trong kỹ thuật làm đồ gốm./.