Trung Quốc sẵn sàng giảm thiểu thiệt hại trong cuộc chiến thương mại

Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố nước này đã chuẩn bị kỹ lưỡng các biện pháp ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực từ xung đột thương mại với Mỹ.
Trung Quốc sẵn sàng giảm thiểu thiệt hại trong cuộc chiến thương mại ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Trung Quốc đã chuẩn bị kỹ lưỡng các biện pháp ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực từ xung đột thương mại với Mỹ, đồng thời nhấn mạnh việc Bắc Kinh tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Washington sẽ không ảnh hưởng lớn tới hầu hết các ngành sản xuất trong nước.

Bộ Thương mại Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa hai nước chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt" khi giới chức hai nước liên tục công bố các chính sách thương mại đối đầu.

Ngày 19/4, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong tuyên bố Mỹ tính toán sai lầm nếu muốn kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc bằng các biện pháp bảo hộ đơn phương gây tổn hại cho các lợi ích của doanh nghiệp hai nước. Ông cho biết cho tới nay vẫn chưa có bất kỳ đối thoại song phương nào liên quan tới bất đồng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.

Trước đó, ngày 17/4, Mỹ đã thông báo với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về việc Washington sẵn sàng đàm phán về bất đồng thương mại với phía Bắc Kinh. Đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng động thái trên của Mỹ tuân thủ các thủ tục của WTO, theo đó các nước thành viên có 10 ngày để phản hồi yêu cầu tham vấn từ nước thành viên còn lại.

Tuy nhiên, ông Cao Phong tái khẳng định các biện pháp áp thuế của Mỹ đối với những sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, căn cứ theo Điều 232 của Đạo luật Mở rộng thương mại năm 1962 và Điều 301 của Đạo luật Thương mại 1974, đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của WTO. Theo ông Cao Phong, hai bên hiện vẫn chưa tiến hành bất kỳ đối thoại song phương nào liên quan tới cuộc điều tra Điều 301 của Mỹ và danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mà Mỹ đề xuất áp thuế.

Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cho biết từ ngày 20/4, nước này bắt đầu áp dụng các biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với mặt hàng cao su tổng hợp được nhập khẩu từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Singapore. Exxon Mobil Corp- tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới của Mỹ nằm trong số các doanh nghiệp Mỹ bị ảnh hưởng bởi biện pháp chống bán phá giá nói trên.

Trước đó, ngày 17/4, bộ này cũng đã quyết định áp đặt các biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với cao lương nhập khẩu từ Mỹ, sau khi xác định mặt hàng nông sản nhập khẩu này gây tổn hại hoạt động sản xuất và buôn bán trong nước. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cao lương của Mỹ sẽ phải nộp khoản tiền đặt cọc lên tới 178,6% tổng giá trị đơn hàng cho cơ quan hải quan của Trung Quốc trước khi chuyển hàng tới Trung Quốc.

Động thái trên của Trung Quốc nhằm đáp trả việc quyết định của Mỹ cấm các công ty trong nước xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cho ZTE - công ty viễn thông hàng đầu của Trung Quốc - với cáo buộc công ty này vi phạm các điều khoản thi hành án phạt từ một tòa án Mỹ đối với hành vi bán hàng cho Iran và Triều Tiên bất chấp các lệnh trừng phạt. Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng hành động này sẽ chỉ làm tổn hại đến Mỹ, khiến hàng chục nghìn người mất việc làm và ảnh hưởng tới hàng trăm doanh nghiệp Mỹ liên quan.

Việc Mỹ và Trung Quốc liên tục đưa ra chính sách thuế đối đầu trong thời gian gần đây đã làm dấy lên quan ngại về một cuộc chiến thương mại. Washington đã công bố danh sách các mặt hàng nhập từ Trung Quốc với tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn. Bắc Kinh cũng đáp trả với một danh mục các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Mỹ như đậu nành, ôtô và máy bay hạng nhẹ tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn khi vào thị trường Trung Quốc.

Ngay sau đó, Tổng thống Donald Trump hôm 5/4 cảnh báo sẽ nâng gấp đôi (lên 100 tỷ USD) tổng giá trị các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc phải chịu các mức thuế bổ sung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.