Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước Trung Quốc (SASAC) cho biết đến hết tháng 10/2016, các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc trung ương trong lĩnh vực sản xuất thép của nước này được kỳ vọng sẽ hoàn thành mục tiêu cắt giảm tổng cộng ít nhất 7,19 triệu tấn thép được đặt ra cho cả năm 2016.
Trả lời phỏng vấn của Tân Hoa xã ngày 22/10, ông Lý Băng, Cục trưởng Cục Cải tổ Doanh nghiệp thuộc SASAC cho biết 3 doanh nghiệp nhà nước lớn trực thuộc trung ương hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thép là Tập đoàn Baosteel, Tập đoàn Gang thép Vũ Hán (WISCO) và Tập đoàn sắt thép Yên Sơn (Ansteel) đều đã hoàn thành sớm, thậm chí vượt mục tiêu cắt giảm tình trạng dư thừa năng lực sản xuất được đặt ra cho cả năm 2016.
Đến cuối tháng Bảy, Trung Quốc đã giảm được 13 triệu tấn công suất thép, chiếm khoảng 47% sản lượng cắt giảm đặt ra cho cả năm 2016.
Tốc độ cắt giảm được đẩy nhanh đáng kể trong tháng Tám và tháng Chín, phần lớn là dưới áp lực từ phía chính phủ.
Theo số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc, sản lượng thép thô trong năm 2015 của ba “ông lớn” nói trên cùng với hai doanh nghiệp nhà nước khác là Tập đoàn Ngũ Khoáng Trung Quốc (China Minmetals) và Tập đoàn Quốc tế Tân Hưng là 138 triệu tấn, chiếm 12,2% năng lực sản xuất của toàn bộ ngành thép Trung Quốc.
Ông Lý Băng cho biết theo kế hoạch của Chính phủ Trung Quốc, các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong trong lĩnh vực sản xuất thép của nước này phải thực hiện mục tiêu cắt giảm tổng cộng 21,37 triệu tấn thép thô trong vòng 3 năm, bắt đầu từ năm 2016.
Cắt giảm năng lực sản xuất dư thừa là ưu tiên trong chương trình cải cách của Chính phủ Trung Quốc vì công suất dư thừa trong các lĩnh vực như thép và than đá đã ảnh hưởng đến thành tựu kinh tế của cả nước nói chung.
Trong 5 năm qua, Trung Quốc đã đóng cửa các nhà máy sản xuất thép có tổng công suất trên 90 triệu tấn và dự định cắt giảm sản lượng thêm 100 triệu đến 150 triệu tấn trước năm 2020./.