Trung Quốc sắp tung "át chủ bài" trong cuộc chiến thương mại với Mỹ?

Theo các nhà phân tích, trong vòng tiếp theo của cuộc chiến thương mại, liệu Trung Quốc có sử dụng kim loại đất hiếm làm con át chủ bài hay không?
Đất hiếm chuẩn bị xuất khẩu sang Nhật Bản tại cảng Lianyungang, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc ngày 5/9/2010. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong vòng tiếp theo của cuộc chiến thương mại, Mỹ không đưa kim loại đất hiếm vào danh sách các mặt hàng Trung Quốc bị áp thuế.

Theo các nhà phân tích, điều đó cho thấy Mỹ vẫn phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu chiến lược từ Trung Quốc. Liệu Trung Quốc có sử dụng kim loại đất hiếm làm con át chủ bài trong vòng đàm phán tiếp theo với Mỹ hay không?

Theo Sputnik đêm 17/5, kim loại đất hiếm là một mặt hàng chiến lược. Nếu không có vật liệu đất hiếm thì không thể sản xuất nhiều loại thiết bị điện tử hiện đại, bao gồm cả thiết bị quân sự.

Trong bối cảnh quan hệ phức tạp với Trung Quốc, mà nước này chiếm vị thế gần như độc quyền trên thị trường đất hiếm toàn cầu, Mỹ đang cố gắng duy trì nguồn cung vật liệu liên tục cho các công ty Mỹ.

Ngoài mặt hàng đất hiếm, biểu thuế mới của Mỹ không áp dụng cho dược phẩm và một số loại thiết bị y tế. Điều đó cho thấy Mỹ không chỉ phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu thô mà còn vào một số loại sản phẩm công nghiệp của Bắc Kinh.

Trung Quốc đã từng hạn chế việc cung cấp kim loại đất hiếm trong bối cảnh quan hệ với Nhật Bản trở nên căng thẳng hơn do tranh chấp lãnh thổ, bằng cách này đã giáng một đòn nặng nề đối với ngành công nghiệp điện tử Nhật Bản.

Kim loại đất hiếm được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp Mỹ, từ chế tạo động cơ máy bay đến sản xuất điện thoại di động, cũng như trong ngành khai thác dầu khí.

Liệu Trung Quốc có thể sử dụng đất hiếm làm con át chủ bài trong vòng đàm phán tiếp theo với Mỹ? Sputnik đã đặt câu hỏi này với chuyên gia Trung Quốc Yang Siyu từ Viện Nghiên cứu Quốc tế.

Ông Yang Siyu cho biết Trung Quốc có đủ khả năng đáp trả đích đáng nếu Mỹ leo thang cuộc chiến thương mại. Hạn chế cung cấp kim loại đất hiếm chỉ là một trong những lựa chọn.

“Không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ áp dụng biện pháp này. Tuy nhiên, các biện pháp đáp trả không hạn chế bởi kim loại đất hiếm. Nếu Mỹ leo thang cuộc chiến thương mại, Trung Quốc chắc chắn sẽ thực hiện những hành động trả đũa. Không loại trừ khả năng, chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các phương tiện có sẵn. Bây giờ thật khó để nói liệu kim loại đất hiếm sẽ được sử dụng làm con át chủ bài hay không.”

[Trung Quốc: Thỏa thuận thương mại với Mỹ phải có lợi cho đôi bên]

Khi hai đối tác thương mại lớn như Mỹ và Trung Quốc bắt đầu áp đặt các hạn chế thuế quan, điều này chắc chắn ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, những người tham gia trực tiếp cuộc chiến thương mại có thể trở thành các nạn nhân đầu tiên. Nhiều nhà phân tích cho rằng, trong cuộc đối đầu kinh tế Trung-Mỹ không thể có người chiến thắng.

Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia Trung Quốc Yang Siyu đã nhất trí với ý kiến này: “Thương mại song phương là rất quan trọng đối với các nền kinh tế của Trung Quốc và Mỹ, và đây là một trong những lý do tại sao Trung Quốc đã không muốn tiến hành cuộc chiến thương mại.

Tuy nhiên, bây giờ chúng tôi buộc phải tham gia cuộc chiến này. Theo tôi, cả hai bên sẽ chịu tổn thất.

Bây giờ, khi phân tích cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, các chuyên gia thường chú ý đến khối lượng xuất khẩu, nhưng đây chỉ là một khía cạnh của vấn đề.

Điểm mấu chốt không phải là ai xuất khẩu nhiều hơn mà là chuỗi cung ứng bị gián đoạn, điều đó gây thiệt hại cho nhiều bộ phận khác nhau. Ví dụ, trong cuộc chiến thương mại này, các doanh nghiệp và công nhân của Trung Quốc bị thiệt hại nhiều nhất.

Ở đây nói về các nhà sản xuất các sản phẩm viễn thông, đồ nội thất, quần áo, đồ chơi... Những ngành nào của nền kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng nhiều nhất? Trước hết là nông nghiệp. Những người tiêu dùng cũng bị tổn hại.

Hơn nữa, cái gọi là "các mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ" trên thực tế là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng của Mỹ. Khi các bán thành phẩm chịu mức thuế cao, điều này cũng tác động tiêu cực đến các công ty Mỹ.

Do đó, nếu nói về các mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ thì cả hai bên sẽ chịu thiệt hại. Bây giờ thật khó để nói ai sẽ mất nhiều hơn.”

Một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng vẫn có cơ hội để giải quyết những mâu thuẫn. Biện pháp đáp trả của Trung Quốc là việc tăng thuế với hàng hóa Mỹ sẽ có hiệu lực từ ngày 1/6 tới.

Tuy nhiên, xét theo các tuyên bố chính thức và ý kiến chuyên gia, Trung Quốc đã sẵn sàng cho một kịch bản tiêu cực. Trong trường hợp này Bắc Kinh có thể sử dụng con át chủ bài - kim loại đất hiếm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục