Tại cuộc họp cấp cao lần thứ ba giữa lãnh đạo Trung Quốc và lãnh đạo 16 nước Đông và Trung Âu (CEE) diễn ra ngày 16/12 tại thủ đô Belgrade của Serbia Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc sẽ thành lập một quỹ đầu tư mới trị giá 3 tỷ USD (2,4 tỷ euro) để hỗ trợ các nước CEE.
Trung Quốc hướng đến các nước CEE trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tìm cách củng cố chỗ đứng của mình tại khu vực được cho là cửa ngõ để nước này tiến sâu hơn vào Liên minh châu Âu (EU).
Đối với Trung Quốc, khu vực Trung và Đông Âu là một thị trường đầy tiềm năng và là cầu nối dẫn tới một EU rộng lớn hơn.
Đầu tư của Trung Quốc vào khu vực này thường dưới hình thức các khoản cho vay do các ngân hàng quốc doanh nước này cấp cho các dự án do các công ty Trung Quốc thực hiện tại khu vực, đặc biệt là trong các dự án năng lượng và hạ tầng cơ sở.
Năm 2012, Trung Quốc đã công bố gói tín dụng trị giá 10 tỷ USD cho một khu vực bao gồm một số thành viên mới nhất của EU và những nước khác ở khu vực Western Balkan chưa phải là thành viên là EU nhưng đang nỗ lực để được gia nhập EU.
Hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và CEE ngày càng phát triển mạnh. Trong 10 tháng đầu năm nay kim ngạch thương mại hai chiều đã lên tới 50 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cho tới nay các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư hơn 5 tỷ USD vào các nước CEE.
Ngày 18/12 Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ tham dự lễ khánh thành tuyến đường cao tốc trị giá 170 triệu euro do Trung Quốc xây dựng chạy quanh thủ đô Belgrade của Serbia.
Ông cũng bày tỏ hy vọng tuyến đường sắt cao tốc nối Belgrade với thủ đô Budapest của Hungary sẽ được hoàn thành trong vòng hai năm tới.
Các dự án này của Bắc Kinh nằm trong kế hoạch mở rộng sự hiện diện của nước này tại cảng quan trọng của Hy Lạp là Piraeus, nơi hãng vận tải biển toàn cầu của Trung Quốc là Cosco vào năm 2009 đã giành được hợp đồng nâng cấp và quản lý trong vòng 35 năm hai cầu cảng container lớn - được coi là cánh cửa tiến vào khu vực Balkan và vùng Trung Âu./.