Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế để tẩy chay hàng hóa phương Tây

Khi các khoản đầu tư nước ngoài vẫn rất quan trọng đối với kinh tế Trung Quốc, việc Bắc Kinh tận dụng sức mạnh để tác động đến các doanh nghiệp quốc tế vẫn có những giới hạn nhất định.
Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế để tẩy chay hàng hóa phương Tây ảnh 1Quang cảnh cảng hàng hóa tại Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng Eurasia Review, Trung Quốc có một lịch sử lâu dài trong việc tận dụng sức mạnh thị trường to lớn của mình như một công cụ để gây sức ép về kinh tế.

Trong nửa đầu thế kỷ XX, Bắc Kinh đã chống lại các cường quốc thực dân bằng cách tẩy chay hàng hóa từ Mỹ, Vương quốc Anh và Nhật Bản.

Gần một thế kỷ sau, Trung Quốc lại lợi dụng việc tẩy chay hàng hóa như một vũ khí chống lại những gì mà Bắc Kinh coi là sự can thiệp không mong muốn từ bên ngoài.

Trong trường hợp này là sự chỉ trích từ các quan chức và doanh nghiệp nước ngoài về những cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với các dân tộc thiểu số ở vùng Tân Cương của Trung Quốc.

Tuy nhiên, bất chấp sức mạnh của nền kinh tế trị giá 14.000 tỷ USD - lớn thứ hai trên thế giới, việc đe dọa tẩy chay của Trung Quốc đã không đem lại những kết quả như mong muốn. Trung Quốc không còn ở vị trí yếu kém như trong thế kỷ XX, nhưng với việc các khoản đầu tư nước ngoài vẫn rất quan trọng đối với nền kinh tế nước này, việc Bắc Kinh tận dụng sức mạnh để tác động đến các doanh nghiệp quốc tế vẫn có những giới hạn nhất định.

Một điều chắc chắn là sức mua của người tiêu dùng Trung Quốc có ý nghĩa rất lớn đối với các nhà bán lẻ hàng may mặc phương Tây.

Theo công ty tư vấn McKinsey, Trung Quốc đang trên đà sớm trở thành thị trường thời trang lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh làn sóng phản đối ngày càng gia tăng về các cáo buộc nhà cung cấp bông ở tỉnh Tân Cương sử dụng lao động cưỡng bức, các thương hiệu phương Tây nổi tiếng bao gồm Nike và H&M đã phát biểu rằng các sản phẩm và nguyên liệu của họ không có nguồn gốc từ Tân Cương.

Đáp lại, các công ty này đang cảm nhận được sức nóng từ chính quyền và người tiêu dùng Trung Quốc.

[Trung Quốc mở cửa hơn nữa sẽ có lợi cho các doanh nghiệp EU]

H&M đã bị xóa khỏi các trang web thương mại điện tử; người tiêu dùng Trung Quốc đang đốt các sản phẩm của hãng Nike và các nhân vật nổi tiếng Trung Quốc cũng dừng hợp đồng quảng cáo sản phẩm với các hãng Adidas, Burberry, Lacoste…

Bài viết cho rằng chỉ một bộ phận người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay hàng hóa cũng có thể gây thiệt hại đáng kể cho lợi nhuận của một số nhà bán lẻ thời trang phương Tây.

Khoảng 15-20% doanh số bán hàng toàn cầu của Nike và Adidas là ở thị trường Trung Quốc, với tốc độ tăng trưởng ở nước này đạt hai con số. Trong khi với H&M, doanh số bán hàng toàn cầu tại Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 5%, song tốc độ tăng trưởng về cơ bản vẫn giữ vững kể từ năm 2014.

Trong một tuyên bố gần đây, H&M nói rằng hãng "sẽ nỗ lực để lấy lại niềm tin và sự tin cậy của khách hàng, đồng nghiệp và đối tác kinh doanh ở Trung Quốc."

Mặc dù ban đầu khuyến khích việc tẩy chay hàng hóa phương Tây, nhưng các quan chức Trung Quốc và các cơ quan truyền thông nhà nước có thể không muốn thấy xu hướng này mở rộng hơn nữa.

Như đã từng xảy ra trước đây, Chính phủ Trung Quốc nhận thức được rằng, nước này sẽ phải trả giá cho việc phản đối các nhà đầu tư nước ngoài.

Chủ tịch Tập Cận Bình hiện "chèo lái" đất nước theo hướng tự cường về kinh tế và công nghệ bằng cách thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng trong nước nhiều hơn. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn rất mong muốn thu hút đầu tư nước ngoài và hạn chế hậu quả của một cuộc tẩy chay đang mở rộng.

Trong khi nhiều công ty đã chuyển cơ sở sản xuất đến các địa điểm có chi phí thấp hơn ở Nam và Đông Nam Á, Trung Quốc vẫn tự hào có ngành sản xuất hàng may mặc và giày dép lớn nhất thế giới.

Các công ty nước ngoài như PVH, sở hữu các thương hiệu như Tommy Hilfiger, là những công ty nổi bật trong lĩnh vực sử dụng hơn 10 triệu lao động Trung Quốc.

Chỉ riêng các nhà cung cấp của hãng Nike cũng đã tạo ra 145.000 việc làm ở Trung Quốc. Do đó, các cuộc tẩy chay ngày càng gia tăng có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến việc làm và đầu tư ở Trung Quốc.

Không có gì ngạc nhiên khi Tổng biên tập Hồ Tích Tiến của Thời báo Hoàn cầu đã nhanh chóng cảnh báo các tổ chức nhà nước và các tài khoản truyền thông xã hội không làm gia tăng căng thẳng, kêu gọi họ "hành động kiềm chế trong việc tố cáo các doanh nghiệp phương Tây."

Ngay cả khi các công ty nước ngoài đối mặt với tình huống xấu nhất ở Trung Quốc, họ cũng hiếm khi bị trục xuất vĩnh viễn. Năm 2017, Hàn Quốc đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội khi đồng ý lắp đặt Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) do Mỹ sản xuất - một quyết định bị Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ.

Hệ thống phòng thủ này được lắp đặt trên khu đất thuộc sở hữu của Lotte, một chuỗi siêu thị lớn của Hàn Quốc. Ngay sau đó, các chuỗi siêu thị của Lotte trên khắp Trung Quốc đã bị tẩy chay.

Mặc dù, không phải tất cả các hoạt động kinh doanh đều bị ảnh hưởng và phần lớn doanh thu của Lotte vẫn đến từ Hàn Quốc, nhưng tập đoàn này đã quyết định đóng cửa tất cả 112 chi nhánh siêu thị của mình tại Trung Quốc, thiệt hại ước tính khoảng 1,7 tỷ USD.

Nhưng hai năm sau, Lotte quay trở lại và đang tái khởi động xây dựng một khu mua sắm và giải trí trị giá 2,9 tỷ USD ở thành phố Thẩm Dương, ở Đông Bắc Trung Quốc.

Hiệp hội Bóng rổ Nhà nghề Mỹ (NBA) cũng đã bị ảnh hưởng bởi làn sóng tẩy chay gần đây của Trung Quốc.

Sau khi Tổng giám đốc Daryl Morey của câu lạc bộ Houston Rockets viết trên Twitter ủng hộ những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) vào năm 2019, Trung Quốc đã ngừng phát sóng các giải của NBA, khiến cho NBA thiệt hại khoảng 200 triệu USD, chiếm khoảng 3% doanh thu toàn cầu. Nhưng một năm sau, Trung Quốc đã dỡ bỏ lệnh cấm đối với các trận chung kết của NBA.

Người tiêu dùng Trung Quốc không phải là kẻ phá hoại lợi ích kinh doanh của phương Tây. Nhiều người ủng hộ quan điểm của chính phủ đối với Tân Cương, trong khi những người khác lại phản đối.

Khi Nike gần đây công bố chương trình ưu đãi có thời hạn tại Trung Quốc trong thời điểm nóng của cuộc tẩy chay, các sản phẩm của hãng này đã nhanh chóng bán hết trên các nền tảng thương mại điện tử. Điều đó cho thấy nhiều người tiêu dùng Trung Quốc chỉ muốn có một đôi giày thể thao tốt.

Tuy nhiên, các công ty phương Tây có thể phải nhượng bộ trước các yêu cầu của Trung Quốc để bảo vệ từng đồng USD mà họ có thể kiếm được tại thị trường rộng lớn của Trung Quốc. Năm 2018, các hãng hàng không và khách sạn của Mỹ và quốc tế đã phải nhượng bộ trước áp lực từ Bắc Kinh liên quan đến vấn đề Đài Loan (Trung Quốc).

Các công ty Mỹ và châu Âu có thể thực sự phải lo ngại về một sự tẩy chay từ người tiêu dùng phương Tây hơn là các công ty ở Trung Quốc. Tập đoàn thời trang Inditex, chủ sở hữu của thương hiệu Zara và các thương hiệu thời trang nổi tiếng khác, có 3/4 doanh thu tại các thị trường phương Tây.

Trung Quốc đã tạo ra doanh thu vượt trội cho Nike vào năm ngoái do suy thoái kinh tế ở các thị trường chính khác của họ, nhưng các khu vực Bắc Mỹ và châu Âu vẫn thường chiếm 2/3 tổng doanh thu của họ.

Ngay cả trên thị trường quốc tế, ảnh hưởng của Trung Quốc cũng có giới hạn. Nền kinh tế toàn cầu rất đa dạng, với các thị trường thời trang tăng trưởng khác ở Ấn Độ và Indonesia mà các nhà bán lẻ thời trang phương Tây đang mong muốn theo đuổi.

Các đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc, chẳng hạn như Anta và Li-Ning, có thể được hưởng lợi từ việc tẩy chay các sản phẩm phương Tây hiện nay ở Trung Quốc.

Nhưng cũng giống như Nike và Adidas muốn có thị phần mạnh mẽ ở Trung Quốc, các thương hiệu Trung Quốc cũng đang nỗ lực mở rộng vị trí của họ ở nước ngoài.

Các nhà hoạch định chính sách phương Tây có thể muốn khuyến khích các công ty Mỹ và châu Âu đa dạng hóa hoạt động bán hàng ở nước ngoài để hạn chế ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với các quyết định của họ. Nhưng thương mại và đầu tư là các con đường hai chiều.

Cũng như các quan chức ở Washington đang vật lộn để tìm cách xóa bỏ nhiều thập kỷ hội nhập thương mại và công nghệ với Trung Quốc mà không làm ảnh hưởng đến lợi ích kinh doanh của Mỹ, các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đang phát hiện ra rằng cái giá phải trả quá nặng nếu họ trừng phạt các nhà đầu tư phương Tây.

Việc Bắc Kinh phóng đại khả năng và sự sẵn sàng gây thiệt hại cho các công ty phương Tây có thể chỉ thúc đẩy chương trình nghị sự của các quan chức "diều hâu" ở cả Trung Quốc và Mỹ, khiến cho quan hệ giữa hai bên ngày càng đi xuống.

Các nhà bán lẻ thời trang phương Tây có thể vẫn thua lỗ hàng trăm triệu USD do các cuộc tẩy chay của Trung Quốc trong năm nay. Một cuộc tẩy chay tiềm tàng của phương Tây đối với Thế vận hội mùa Đông 2022 sắp tới ở Bắc Kinh có thể làm tình hình thêm căng thẳng.

Nhưng thay vì gây ra thiệt hại lâu dài, các cuộc tẩy chay hiện tại của Trung Quốc chỉ cho thấy rằng việc tạo việc làm và đầu tư sẽ vẫn là một xu hướng hợp thời./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.