Trung Quốc tiếp tục siết chặt kiểm soát vận chuyển thịt lợn

Trung Quốc tiếp tục cấm vận chuyển lợn sống và các sản phẩm từ lợn từ 10 khu vực giáp với 6 tỉnh có các trường hợp bị bệnh tả lợn châu Phi trong những tuần gần đây.
Trung Quốc tiếp tục siết chặt kiểm soát vận chuyển thịt lợn ảnh 1Lợn được nuôi tại trang trại ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc ngày 10/8 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc tiếp tục cấm vận chuyển lợn sống và các sản phẩm từ lợn từ 10 khu vực giáp với 6 tỉnh có các trường hợp bị bệnh tả lợn châu Phi trong những tuần gần đây.

Động thái này được dự báo sẽ khiến nguồn cung thịt lợn tại nước này trở nên khan hiếm và đẩy giá thịt lợn tăng cao.

Theo thông cáo ngày 11/9 của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc gửi đến các trung tâm kiểm soát dịch bệnh gia súc, các chợ bán thịt sống tại những khu vực này cũng sẽ bị đóng cửa.

Những khu vực bị ảnh hưởng bao gồm tỉnh Hà Bắc, Sơn Tây, Cát Lâm, Phúc Kiến, Giang Tây, Sơn Đông, Hồ Bắc và Thiểm Tây cũng như Khu vực Nội Mông và thành phố Thượng Hải.

Trước đó, Bắc Kinh đã cấm vận chuyển lợn sống tại 6 tỉnh có các ca bị tả lợn châu Phi, bao gồm tỉnh Liêu Ninh, nơi cung cấp mỗi năm khoảng 20% lượng thịt cho các khu vực miền Nam.

[Dịch tả lợn ở Trung Quốc có nguy cơ lây lan sang các nước Đông Nam Á]

Theo thống kê, trong năm 2016, 10 khu vực trong diện siết chặt kiểm soát trên có tổng cộng khoảng 217 triệu con lợn, chiếm khoảng 1/3 số lượng lợn nuôi ở Trung Quốc.

Trước đó, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo dịch tả lợn châu Phi đang lan mạnh tại Trung Quốc và gần như chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới các nước châu Á khác.

Tuy không lây sang người nhưng virus tả lợn châu Phi sẽ khiến lợn nuôi và lợn hoang bị xuất huyết cùng với nhiều triệu chứng khác và có tỷ lệ chết cao.

Hiện chưa có vắcxin phòng bệnh hay thuốc trị bệnh và phương pháp phòng ngừa duy nhất là tiêu hủy đàn lợn được xác nhận là nhiễm dịch.

Dịch tả lợn châu Phi lây lan qua đường tiếp xúc với những con lợn nhiễm bệnh, ve hoặc các loài động vật hoang khác và có thể gây ra thiệt hại nặng nề với ngành nông nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.