Trung Quốc và Ấn Độ là thị trường xuất khẩu dầu mỏ chính của Nga

Do các biện pháp trừng phạt của phương Tây nên Nga chuyển hướng xuất khẩu dầu mỏ từ châu Âu sang Ấn Độ và Trung Quốc. Hai thị trường này chiếm khoảng 90% xuất khẩu dầu thô của Nga.

Một giàn khoan dầu ở Kogalym, Nga. (Ảnh: Reuters/TTXVN)
Một giàn khoan dầu ở Kogalym, Nga. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Ngày 27/12, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết gần như toàn bộ xuất khẩu dầu mỏ của Nga trong năm 2023 là sang thị trường Trung Quốc và Ấn Độ.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya-24, Phó Thủ tướng Novak cho biết do các biện pháp trừng phạt của phương Tây nên Nga chuyển hướng xuất khẩu dầu mỏ từ châu Âu sang Ấn Độ và Trung Quốc. Hai thị trường này chiếm khoảng 90% xuất khẩu dầu thô của Nga.

Ông khẳng định nhiều nước cũng quan tâm đến việc mua dầu và các sản phẩm dầu mỏ của Nga, trong đó có các quốc gia Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á-Thái Bình Dương.

Các biện pháp hạn chế và lệnh cấm vận đối với xuất khẩu dầu sang châu Âu và Mỹ đã góp phần đẩy nhanh quá trình Nga chuyển hướng xuất khẩu năng lượng.

Cụ thể, tỷ lệ xuất khẩu dầu thô của Nga sang châu Âu đã giảm từ khoảng khoảng 40-50% xuống còn 4-5%, trong khi thị phần của các đối tác chính như Trung Quốc đã tăng lên 45-50%. Trong 2 năm qua, thị phần của Ấn Độ đã lên tới 40% dù trước đó nước này gần như không nhập khẩu dầu của Nga.

Trong năm 2023, Nga đã vận chuyển 1,5 triệu tấn dầu qua tuyến đường Biển Bắc. Phó Thủ tướng Novak nhấn mạnh đây là tuyến đường vận chuyển mạng lại nhiều lợi nhuận, ngắn hơn các tuyến đường truyền thống như Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương.

Liên quan đến cam kết của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+), Phó Thủ tướng Novak khẳng định Nga sẽ tuân thủ các cam kết cắt giảm nguồn cung và đánh giá việc giá dầu Brent ở mức 80-85 USD/thùng trong năm tới sẽ phù hợp với mức cắt giảm hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.