Trước giảm giá, quỹ bình ổn của Petrolimex còn dư 1.955 tỷ đồng

Thông tin từ Petrolimex cho biết, trước thời điểm giảm giá ngày 22/12, quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) của tập đoàn đang tồn khoảng 1.955 tỷ đồng.
Trước giảm giá, quỹ bình ổn của Petrolimex còn dư 1.955 tỷ đồng ảnh 1Nhân viên Petrolimex đang bán xăng cho khách hàng (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, trước thời điểm giảm giá ngày 22/12, quỹ Bình ổn giá xăng dầu dầu (BOG) của tập đoàn này đang tồn khoảng 1.955 tỷ đồng.

Trước đó, vào lúc 15 giờ ngày 22/12, Petrolimex đã điều chỉnh giảm giá mặt hàng xăng Ron 92 và xăng sinh học E5 tại vùng 1 thêm 2.050 đồng/lít, giá dầu diezen 0,05s giảm 1.420 đồng/lít; dầu hỏa giảm 1.570 đồng/lít và dầu mazút 3,5s giảm 1.690 đồng/kg.

Sau khi điều chỉnh, xăng RON92 và xăng sinh học E5 niêm yết tại vùng 1 trong hệ thống phân phối của Petrolimex sẽ có mức giá mới là 17.880 đồng/lít; dầu diezen 0,05S là 16.990 đồng/lít; dầu hỏa là 17.400 đồng/lít. Trong khi đó, dầu mazút 3,5s có giá mới là 13.130 đồng/kg.

Trong ngày hôm qua (22/12) Bộ Công Thương đã có thông báo về việc trích lập quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu, áp dụng từ 15 giờ ngày 22/12.

Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối tăng mức trích lập Quỹ bình ổn giá thêm 500 đồng/lít, kg từ 300 đồng/lít, kg lên 800 đồng/lít, kg.

Tính từ đầu năm, đây là lần thứ 12 liên tiếp giảm giá xăng, tổng mức giảm là 7.760 đồng/lít; lần thứ 14 giảm liên tiếp của mặt hàng dầu diezen, dầu hỏa.

Trong 3 lần giá xăng điều chỉnh gần đây nhất, ngày 6/12, xăng Ron 92 giảm 320 đồng/lít; ngày 7/11, xăng giảm 950 đồng/lít và ngày 22/11, giá mặt hàng này giảm 1.140 đồng/lít.

Ngày 4/12, thuế suất thuế nhập khẩu xăng được Bộ Tài chính điều chỉnh từ 18% lên 27%, thuế nhập khẩu dầu diezen là 23%, thuế nhập khẩu dầu hỏa là 26% và dầu mazút hiện là 24%./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.