Chiều 28/7, tại hội thảo "Truy xuất nguồn gốc nguyên liệu dệt may trước tác động của tình hình địa chính trị mới" do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) phối hợp Hiệp hội Bông Quốc tế Mỹ (CCI) tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia cho biết nguồn cung nguyên phụ liệu của ngành dệt may hiện nay chủ yếu nhập khẩu. Thị trường nội địa không có lợi thế về nguồn nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất kinh doanh dệt may.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp dệt may đang chịu sức ép lớn về quy định truy xuất nguồn gốc nguyên phụ liệu ở nhiều khâu trong chuỗi cung ứng ngành. Đặc biệt, khi doanh nghiệp muốn tận dụng ưu đãi khi xuất nhập khẩu ở những thị trường mà Việt Nam có ký kết và tham gia Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thì phải sử dụng nguyên phụ liệu đảm bảo yêu cầu của nước sở tại nhập khẩu hàng hóa.
Hiện nay, nhiều FTA thế hệ mới cũng đều có cam kết về bảo vệ môi trường và phát thải thấp. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để doanh nghiệp hướng đến đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm khi xuất khẩu.
Trong khi đó, ngành dệt may Việt Nam từ trước đến nay vẫn gặp khó về nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất kinh doanh như vải, dệt nhuộm... Ngành dệt may phát triển rất nhanh, nhưng vẫn yếu khâu nguyên phụ liệu đầu vào.
[Nhiều thuận lợi, xuất khẩu xơ sợi tăng hơn 20% trong 5 tháng đầu năm]
Để đáp ứng phần nào về nguồn nguyên phụ liệu, ngành dệt may cũng đang phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng một số khu công nghiệp dệt may lớn có hệ thống xử lý nước thải, bảo vệ môi trường...
Riêng đối với doanh nghiệp ngành dệt may làm hàng FOB (giá tại cửa khẩu bên nước của người bán), ODM (nhà sản xuất thiết kế gốc)... phải nghiên cứu kỹ những quy định về truy xuất nguồn gốc của Việt Nam và nước nhập khẩu.
Doanh nghiệp nên yêu cầu nhà cung cấp nguyên phụ liệu những tài liệu liên quan đến truy xuất nguồn gốc, cũng như theo dõi và tìm hiểu hiểu kỹ thông tin liên quan đến công ty nằm trong doanh sách cảnh báo của nước nhập khẩu.
Ông Võ Mạnh Hùng, Trưởng đại diện Hiệp hội Bông Quốc tế Mỹ (CCI) tại Việt Nam cho hay, đối với truy xuất nguồn gốc nguyên liệu bông trong ngành dệt may là một bài toán mà bất cứ doanh nghiệp xuất khẩu dệt may nào cũng phải giải quyết khi tham gia thị trường toàn cầu.
Trên thế giới, hiện tại có nhiều chương trình phát triển bông bền vững và không ít nhãn hàng đã đưa ra yêu cầu đến năm 2030 tất cả sản phẩm của họ phải được sử dụng từ nguyên liệu bông bền vững.
Ở góc độ hiệp hội, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch VITAS cho biết muốn phát triển bền vững ngành dệt may, thì doanh nghiệp phải đầu tư phát triển bền vững và mang lại lợi ích kinh tế. Doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ lao động bền vững và tạo môi trường làm việc đảm bảo hài hòa giữa các bên trong chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh của ngành.
Thống kê, ngành dệt may không chỉ xuất khẩu lớn mà còn xuất siêu cũng khá lớn, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam năm 2021 đạt kim ngạch 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019.
Thị phần xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã vượt qua Bangladesh, vươn lên vị trí thứ hai thế giới và được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá ở vị trí cao nhất trong cơ hội phục hồi năm 2022. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2022 xuất khẩu dệt may đạt khoảng 22 tỷ USD, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ.
Dệt may là một trong những ngành sản xuất chủ lực của nền kinh tế Việt Nam, chiếm từ 12-16% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Đây cũng là một ngành tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động, luôn giữ vai trò quan trọng và có những đóng góp lớn lao vào quá trình phát triển nền kinh tế đất nước.
Theo dự thảo "Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035," ngành dệt may tiếp tục có cơ hội phát triển tương đối nhanh. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu bình quân của ngành sẽ tăng từ 5-6%/năm trong giai đoạn đến năm 2030, tương đương từ 68-70 tỷ đồng.
Từ nay đến năm 2030, ngành chuyển từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững. Còn từ giai đoạn 2030-2045, ngành phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Cùng với đó, ngành sẽ hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, xuất khẩu và tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới./.