Truyền thông Mỹ đánh giá về tác động của CPTPP đến nền kinh tế

Tờ New York Times đăng bài viết phân tích, Hiệp định CPTPP có một mục tiêu mới là chống lại chủ nghĩa bảo hộ của Tổng thống Donald Trump và Mỹ có thể muốn xem xét lại việc gia nhập TPP.
Truyền thông Mỹ đánh giá về tác động của CPTPP đến nền kinh tế ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Washington, DC ngày 13/2. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trong bối cảnh 11 nước tham gia đàm phán còn lại của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiền thân của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), vừa ký kết thỏa thuận tại thủ đô Santiago của Chile, truyền thông Mỹ đã có nhiều bài viết đánh giá những tác động của sự kiện này đối với nền kinh tế số một thế giới.

Theo phóng viên TTXVN tại New York, tờ New York Times đã đăng bài viết với tiêu đề "Các đồng minh của Mỹ ký một thỏa thuận thương mại thách thức Tổng thống Trump," theo đó, cho rằng hiệp định thương mại tự do của khu vực châu Á-Thái Bình Dương từng được Mỹ đi đầu với mục tiêu làm đối trọng với sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc tại châu Á giờ đây có một mục tiêu mới, đó là chống lại chủ nghĩa bảo hộ của Tổng thống Donald Trump.

Nhóm 11 quốc gia, trong đó có cả những đồng minh chủ chốt của Mỹ là Nhật Bản, Canada và Australia-đã ký một hiệp định thương mại mới thách thức quan điểm của Tổng thống Trump vốn coi thương mại là "trò chơi có tổng bằng không," chỉ có người thắng và kẻ thua.

Với 500 triệu dân sống bên hai bờ Thái Bình Dương, CPTPP sẽ tượng trưng cho tầm nhìn mới về thương mại toàn cầu trong bối cảnh Mỹ đang đe dọa áp đặt mức thuế nhập khẩu mới đối với nhôm và thép ngay cả đối với những bạn bè và láng giềng thân cận nhất của mình.

[Nền kinh tế số một thế giới và “sức hút” của Hiệp định CPTPP]

Báo trên nêu rõ CPTPP giảm mạnh thuế quan và ấn định những quy định thương mại mới tại các thị trường chiếm 1/7 nền kinh tế thế giới.

Hiệp định này mở ra nhiều thị trường hơn nữa cho tự do giao dịch nông sản và các dịch vụ số trên toàn khu vực. Đơn cử như thịt bò của Mỹ sẽ phải chịu mức thuế 48,5% tại Nhật Bản trong khi thịt bò của Australia, New Zealand và Canada sẽ không bị áp thuế.

Theo phân tích của Viện Kinh tế quốc tế Peterson, một khi có hiệu lực, hiệp định này có thể giúp thu nhập toàn cầu tăng thêm 147 tỷ USD.

Ngoài ra, những người ủng hộ hiệp định này cũng kỳ vọng CPTPP sẽ củng cố việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và bao hàm những ngôn từ có thể buộc các nước thành viên phải cải thiện điều kiện lao động.

Dẫn lời bà Wendy Cutler, từng là nhà đàm phán của Mỹ tham gia tiến trình đàm phán TPP, tờ New York Times cho rằng Washington khó có thể phớt lờ những quy định mà tất cả những nước khác đã nhất trí và sẽ phải xem xét kỹ lưỡng những quy định này. Bà dự đoán theo thời gian, Mỹ có thể muốn xem xét lại việc gia nhập TPP.

Trong khi đó, với tiêu đề "Thiếu Mỹ, TPP vẫn được xúc tiến," tờ Wall Street Journal cho rằng khi Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi TPP, có lẽ ông đã nghĩ rằng hiệp định gây tranh cãi này đã bị "quẳng vào sọt rác" của lịch sử và Mỹ là quốc gia lớn nhất và có ảnh hưởng nhất trong số các quốc gia tham gia TPP.

Giờ đây, việc các nước từng cùng Mỹ đàm phán TPP đặt bút ký vào CPTPP chứng tỏ chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của chính quyền Tổng thống Trump đang cô lập nước Mỹ đến mức nào cũng như những tính toán sai lầm-nhất là việc từ bỏ Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA)-sẽ khiến giới doanh nghiệp và người lao động Mỹ khó có thể nắm bắt những cơ hội toàn cầu vốn có ý nghĩa quan trọng sống còn.

CPTPP sẽ gây những tác động đáng kể đối với Mỹ. Các nhà sản xuất, nông dân và cung cấp dịch vụ của Mỹ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc cạnh tranh tại những thị trường TPP chủ chốt, nhất là Nhật Bản, Malaysia và Việt Nam.

Theo Wall Street Journal, CPTPP là minh chứng mới nhất cho thấy các quốc gia khác đang đẩy nhanh những nỗ lực ký kết các thỏa thuận thương mại.

Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) gần đây đã ký kết một hiệp định thương mại khổng lồ-chủ yếu dựa trên các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nhật Bản như một phần của TPP.

EU cũng vừa ký kết một thỏa thuận mới với Canada và đang tìm cách nâng cấp thỏa thuận với Mexico.

Trong khi đó, Trung Quốc cùng 15 nền kinh tế khác của châu Á đang tiếp tục đàm phán một hiệp định khu vực quan trọng.

Tuy nhiên, các quốc gia hầu như không nhiệt tình đàm phán những thỏa thuận thương mại mới với Mỹ. Ngay như Nhật Bản đã từ chối tiến hành đàm phán song phương, và một thỏa thuận "nhanh" với Anh khó có thể xảy ra trước năm 2019 do các cuộc đàm phán về việc Anh rời khỏi EU-Brexit-kéo dài.

Những tuyên bố gần đây của Tổng thống Trump tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos rằng ông có thể xem xét lại việc gia nhập TPP nếu như thỏa thuận được sửa đổi đáng kể càng cho thấy rõ rằng Washington không thể khởi động các cuộc đàm phán song phương.

Còn bài báo với tiêu đề "Liệu Tổng thống Trump có quay trở lại với TPP? Hy vọng như vậy" đăng trên mạng tin Bloomberg cho biết gần đây bắt đầu xuất hiện những thông tin về lý do khiến chính quyền của Tổng thống Trump xem xét quay trở lại TPP "hồi sinh" dưới hình thức CPTPP.

Theo bài viết, những quan ngại về vị thế chi phối địa chính trị của Trung Quốc tại châu Á sẽ là nhân tố chính mà Mỹ tính đến nếu cân nhắc việc tham gia CPTPP.

Nếu thiếu sự lãnh đạo của Mỹ, Trung Quốc có thể ấn định những quy định thương mại toàn cầu. Điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại Thái Bình Dương, ngược lại vị thế của Mỹ bị sụt giảm.

Đó là chưa kể với việc các tiêu chuẩn và quy định mậu dịch quốc tế toàn cầu có thể bị định hình lại theo hướng có lợi cho các công ty Trung Quốc hơn là cho các công ty Mỹ.

Bài báo kết luận rút khỏi TPP có thể làm hài lòng một số người ủng hộ Tổng thống Trump, song đối với cả nước Mỹ thì đây là động thái "gậy ông đập lưng ông". /.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.