Nhật báo kinh tế Nihon Keizai của Nhật Bản ngày 20/5 đăng bài viết đánh giá Hiệp định tự do thương mại Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), dự kiến được Quốc hội Việt Nam thông qua trong tháng 5 này, sẽ mang lại lợi ích không chỉ đối với các bên tham gia ký kết mà còn cả doanh nghiệp các nước khác.
Bài viết nêu rõ theo EVFTA, Việt Nam và EU sẽ bỏ 99% thuế xuất khẩu trong vòng 10 năm. Điều này có thể giúp tăng lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU, vốn mới chỉ chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Những doanh nghiệp Nhật Bản đang có mặt tại Việt Nam dự kiến cũng sẽ được hưởng lợi từ hiệp định này.
Là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Bangladesh, dư địa xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam còn rất lớn.
Một số doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã liên kết sản xuất hàng dệt may với Việt Nam, trong đó tiêu biểu như Tập đoàn dệt may Fast Retail - chủ thương hiệu Uniqlo nổi tiếng thế giới.
[Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực khi EVFTA có hiệu lực]
Tại Việt Nam cũng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản sản xuất linh kiện ôtô và máy móc để xuất khẩu đi châu Âu, do vậy, EVFTA cũng sẽ giúp các doanh nghiệp này mở rộng sản xuất và tiến vào thị trường châu Âu dễ dàng hơn.
Ngược lại, EU đang xuất khẩu các mặt hàng như máy bay và ôtô vào Việt Nam. Tổng dân số Việt Nam hiện vào khoảng 96 triệu người, đông thứ 3 tại khu vực Đông Nam Á, thu nhập bình quân đầu người tính theo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2019 đạt gần 3.500 USD - mức thu nhập được cho là sẽ khiến cho việc mua sắm các tài sản đắt tiền như ôtô, các đồ điện tử trong gia đình ngày càng trở nên phổ biến hơn. Do vậy, triển vọng tiêu thụ nội địa của Việt Nam cũng sẽ ngày càng cao.
Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp COVID-19 đang tác động đến tất cả các nền kinh tế trên thế giới, là nước đầu tiên tại Đông Nam Á sớm bình thường hóa các hoạt động kinh tế trở lại sau COVID-19, EVFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng trở lại./.