Truyền thông Nhật đưa đậm về Tuần lễ Cấp cao APEC tại Việt Nam

Sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 chính thức bắt đầu tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam từ đầu tuần này đã trở thành một chủ đề quốc tế quan trọng của báo chí Nhật Bản.
Truyền thông Nhật đưa đậm về Tuần lễ Cấp cao APEC tại Việt Nam ảnh 1Các đại biểu dự Hội nghị Bộ trưởng TPP. (Nguồn: TTXVN)

Sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 chính thức bắt đầu tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam từ đầu tuần này đã trở thành một chủ đề quốc tế quan trọng của báo chí Nhật Bản.

Hầu hết các cơ quan truyền thông lớn của Nhật Bản như Đài truyền hình NHK, các báo in và báo điện tử như Asahi, Sankei, Nikkei, Japan Times, Japan News, Japan Today... đều có tin bài cập nhật về sự kiện quốc tế quy mô này.

Với tiêu đề “Hội nghị Bộ trưởng APEC: Tập trung vào biện pháp tự do thương mại giữa các quốc gia," trang tin điện tử của đài NHK ngày 8/11 cho biết Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono tham dự Hội nghị Bộ trưởng APEC với phương châm nhấn mạnh vào tính chất cần thiết của việc thực hiện thể chế tự do thương mại giữa các nền kinh tế.

Bài báo cho biết hội nghị tập trung thảo luận việc phát triển các quy định tự do thương mại có tính minh bạch cao và xây dựng cơ cấu khung tự do thương mại trong APEC hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế của khu vực này.

Trong bối cảnh những quan ngại đang lan rộng về việc trao đổi kinh tế giữa các nước bị đình trệ sau khi chính quyền Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tham gia hội nghị lần này, Nhật Bản tập trung vào việc APEC có thể thực hiện những bước tiến ở mức độ nào với tư cách là khối liên kết 21 nền kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương.

Theo NHK, kết quả của Hội nghị Bộ trưởng APEC sẽ được tổng hợp và trình lên Hội nghị Cấp cao APEC bắt đầu từ ngày 10/11 tới.

Sáng 9/11, NHK tiếp tục cập nhật về Tuần lễ Cấp cao APEC với bài viết có tiêu đề “Hội nghị Bộ trưởng APEC chưa đạt được tuyên bố chung." Theo bài báo này, Hội nghị Bộ trưởng APEC tại Việt Nam vẫn chưa đạt được tuyên bố chung vì vậy phiên thảo luận được kéo dài thêm một ngày so với dự kiến, đến ngày 9/11.

Báo này cho biết Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Seko Hiroshige đang tham dự hội nghị này. Ban đầu, kế hoạch là Hội nghị Bộ trưởng sẽ kết thúc và ra tuyên bố vào tối 8/11 song kế hoạch đã được điều chỉnh để thêm một ngày thảo luận.

[APEC 2017: Chung tay để tăng trưởng toàn cầu lan tỏa rộng rãi]

Theo một số nguồn tin, “thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ đa quốc gia” được đưa vào dự thảo của tuyên bố chung song Mỹ và một số nền kinh tế thành viên phản đối. Tham dự APEC lần này, Mỹ ưu tiên thúc đẩy các liên kết kinh tế song phương. Điều này đã làm gia tăng quan ngại về việc mô hình hợp tác kinh tế đa quốc gia mà APEC hướng tới sẽ bị đình trệ.

Liên quan đến APEC, Hội nghị Bộ trưởng Thương mại hồi tháng Năm cũng không thể ra tuyên bố chung do Mỹ phản đối và được để dành lại cho tuyên bố chủ tịch. Tại phiên thảo luận ngày 9/11, trọng tâm hiện nay là các nền kinh tế thành viên có đạt được nhất trí để ra tuyên bố chung hay không.

Trong khi đó, báo Nihon Keizai sáng 9/11 đưa tin “Hội nghị Bộ trưởng APEC kéo dài thêm một ngày." Theo báo này, Hội nghị Bộ trưởng APEC đã được kéo dài thêm một ngày so với kế hoạch do các bên chưa đạt được nhất trí về nội dung của tuyên bố chung.

Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Seko Hiroshige nói rằng Hội nghị Bộ trưởng đã nhất trí phương châm thực hiện một môi trường thương mại tự do, điều chỉnh các biện pháp ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và phản đối chủ nghĩa bảo hộ. Ông khẳng định Nhật Bản sẽ hợp tác với Việt Nam, nền kinh tế chủ nhà APEC 2017, trong vấn đề đạt được tuyên bố chung.

Báo Japan Today có bài viết với tiêu đề “Sự im lặng tại Hội nghị Bộ trưởng APEC trước thềm hội nghị cấp cao." Theo báo này, các bộ trưởng tham dự Hội nghị Bộ trưởng APEC đang rất khó khăn để đạt được nhất trí về vấn đề thị trường mở và các vấn đề chiến lược khác trước thềm Hội nghị Cấp cao APEC và họ đang kêu gọi sự hợp tác của các nền kinh tế. Cuộc họp báo dự kiến vào tối 8/11 đã bị hủy bỏ vì thảo luận không đạt dược tiến triển, thảo luận được kéo dài sang ngày 9/11.

Các bộ trưởng dự kiến tán thành dự thảo tuyên bố chung cho tuyên bố chủ tịch được công bố vào lúc bế mạc phiên họp cấp cao. Việt Nam, nền kinh tế chủ nhà, đang kêu gọi các bên thỏa hiệp.

Báo Japan Today dẫn lời Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nói rằng: “Tôi hy vọng chúng ta sẽ nắm lấy cơ hội cuối cùng này trước cuộc họp cấp cao để thể hiện sự linh động và tinh thần sẵn sàng thu hẹp các khoảng cách còn tồn tại để chúng ta có thể có một kế hoạch ý nghĩa cho sự hội nhập kinh tế khu vực. Trong bối cảnh có những thay đổi nhanh chóng và những biến động mà nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt, điều này sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ phản ánh sự bền vững và quyết tâm của APEC trong việc theo đuổi một khu vực tự do cho đầu tư và thương mại."

Tại phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh nhấn mạnh sự thay đổi các điều kiện khu vực và toàn cầu đi kèm với các cơ hội và thách thức đan xen, sự phục hồi kinh tế là chắc chắn nhưng tỷ lệ tăng trưởng dự kiến vẫn ở dưới mức trung bình của thời kỳ tiền khủng hoảng. Nhiều nền kinh tế trong khu vực lo ngại những nỗ lực thúc đẩy năng suất thông qua tự động hóa có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Việt Nam đang sử dụng cơ hội này để chứng tỏ rằng sự phát triển kinh tế mà Việt Nam đạt được là nhờ vào việc mở cửa nền kinh tế cho đầu tư và thương mại của nước ngoài.

Bài viết “Hội nghị Bộ trưởng APEC khai mạc tại Đà Nẵng, Việt Nam” trên báo Sankei nhấn mạnh đây là lần thứ hai Việt Nam đảm nhận vai trò là nền kinh tế chủ nhà APEC. Với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung," APEC 2017 nhấn mạnh đến tính chất cần thiết của tự do hóa thương mại.

Theo báo này, Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi kết thúc chuyến thăm Trung Quốc sẽ đến Đà Nẵng tham dự Hội nghị Cấp cao APEC, dự kiến sẽ đề cập chi tiết đến chiến lược lập khu vực tự do thương mại Ấn Độ-Thái Bình Dương. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong chuyến thăm nước ngoài và tham dự hội nghị cấp cao đa phương đầu tiên sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội XIX), dự kiến sẽ kêu gọi các nền kinh tế tham gia sáng kiến “Một vành đai, một con đường."

Liên quan đến TPP, báo Asahi ngày 8/11 có bài viết với tiêu đề “Quan chức chính phủ: TPP 11-Khó có khả năng đạt được thỏa thuận chung trong tuần này."

Về việc thành lập TPP gồm 11 thành viên (không có Mỹ), báo này dẫn lời nhiều quan chức cho biết do còn nhiều bất đồng chưa được giải quyết giữa các nước thành viên. Theo báo Asahi, trong khuôn khổ APEC tại Việt Nam, Nhật Bản đã nỗ lực thúc đẩy mục tiêu đạt được thỏa thuận chung, tuy nhiên các quan chức tham dự cho biết một số nước trong đó có Canada, New Zealand, Malaysia thừa nhận không tích cực với việc đạt thỏa thuận sớm đối với vấn đề TPP 11.

Truyền thông Nhật đưa đậm về Tuần lễ Cấp cao APEC tại Việt Nam ảnh 2Các đại biểu dự Hội nghị Bộ trưởng TPP. (Nguồn: TTXVN)

Báo này dẫn lời của một quan chức Canada cho rằng “để đạt được một thỏa thuận phù hợp thì cần phải có thời gian." Canada hiện cũng đang đối mặt với việc Mỹ đòi đàm phán lại Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) bao gồm cả Mỹ và Mexico. Chính quyền mới của New Zealand ủng hộ thành lập TPP gồm 11 thành viên song Thủ tướng nước này cho rằng “còn quá sớm để dự đoán việc đạt được thỏa thuận chung về TPP trong tuần này và New Zealand có nhiệm vụ phải đạt được một thỏa thuận có lợi nhất cho quốc gia này."

Đối với Malaysia, mục tiêu ban đầu khi tham gia TPP là thị trường rộng lớn của Mỹ. Tuy nhiên, bên cạnh việc chờ đợi cuộc bầu cử trong nước, quan hệ đang được cải thiện với Trung Quốc khiến cho mong muốn nhanh chóng đạt được thỏa thuận chung về TPP 11 đã giảm đi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục